Tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh chậm, do đâu?
Gần đây, các lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga liên tục phản ảnh tình trạng tiền sinh hoạt phí hằng tháng đến tay lưu học sinh chậm khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập.
Ông Phạm Sỹ Tiến, cố vấn của Ban điều hành các đề án du học bằng ngân sách (Bộ GD-ĐT), giải thích vấn đề này như sau:
Những LHS bị chậm nhận tiền SHP tại LB Nga đều là SV được cử đi học theo đề án xử lý nợ với Chính phủ Nga. Theo hiệp định thực hiện đề án này đã được ký kết giữa hai chính phủ, việc chuyển tiền cho LHS theo đề án phải tuân thủ quy trình kỹ thuật do phía Nga đề nghị và phía VN đã thống nhất.
Quy trình đó như sau: Trường ĐH Nga - nơi đào tạo LHS VN - phải lập chứng từ gửi Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Nga và phòng công tác LHS thuộc Đại sứ quán VN tại LB Nga. Sau khi kiểm tra chứng từ của trường ĐH, Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Nga gửi giấy báo tiền cho Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank).
Nhận được thông báo từ phía Nga, Vietcombank gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT về số tiền, số chứng từ để đối chiếu. Sau đó, Bộ Tài chính lập lệnh chuyển tiền để Vietcombank chuyển tiền sang Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Nga. Khi nhận được tiền, ngân hàng này sẽ thông báo cho trường ĐH Nga nhận tiền và cấp phát SHP cho LHS.
Đối với trường hợp cụ thể của nhóm LHS VN tại ĐH Tula, ngày 12/4, ngân hàng phía Nga bắt đầu gửi giấy báo tiền cho Vietcombank, sau đó lần lượt thực hiện các bước theo quy trình kể trên. Và đến ngày 8/6, Vietcombank đã chuyển tiền SHP cho hai nhóm gồm 38 SV tại Tula. Các em LHS tại ĐH Tula cần liên hệ với nhà trường, đề nghị trường nhận và phát tiền SHP.
Thủ tục chuyển tiền SHP cho LHS ở Tula lần này có một sai sót trong giấy tờ từ phía Nga nên cũng kéo dài thêm thời gian. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp không bị sai sót, trục trặc, quy trình chuyển tiền cho LHS theo đề án xử lý nợ với LB Nga cũng vẫn mất nhiều thời gian, kéo dài khoảng gần hai tháng. Nhìn chung, phía Nga tiến hành thủ tục rất chậm. Nhưng ta vẫn phải tuân thủ quy trình này vì theo hiệp định xử lý nợ, những khoản tiền thanh toán theo đúng quy trình, qua ngân hàng phía Nga mới được Bộ Tài chính Nga công nhận và khấu trừ vào nguồn kinh phí xử lý nợ. Cũng vì thế mà chúng tôi không thể mở cho mỗi SV một tài khoản cá nhân và chuyển tiền trực tiếp cho từng SV như đối với LHS đi du học theo đề án 322.
Khi được hỏi có giải pháp nào cho tình trạng này để LHS có thể nhận được tiền SHP đúng thời hạn không thì ông Tiến cho biết: "Do việc chuyển tiền SHP lệ thuộc vào đề nghị của trường ĐH Nga đang đào tạo LHS, tiền lại được chuyển theo đợt sáu tháng một lần, nên chúng tôi đề nghị các LHS VN sau đợt nhận tiền SHP lần này (cho thời gian từ tháng ba đến tháng 8), đến đầu tháng 7 nên đề nghị ngay với trường ĐH làm các thủ tục gửi đến ngân hàng Nga để chuyển về VN.
Phía VN luôn chuyển ngay SHP khi nhận được thông báo từ phía Nga. Như vậy với quy trình gần hai tháng, nếu bắt đầu ngay từ tháng bảy, đến tháng chín các em có thể nhận được SHP tiếp, không phải chờ đợi như đợt này.
Tất cả những vấn đề liên quan đến SHP, cần hướng dẫn cách xử lý hoặc thông tin, các LHS có thể liên hệ với tôi theo địa chỉ email: tien.phamsy@gmail.com. Các LHS khi thông tin cần nói rõ họ tên, đang hưởng học bổng loại nào (theo đề án 322, xử lý nợ với LB Nga hay các học bổng hiệp định...), đang học ở trường nào...
Từ nay, các thông tin LHS phản ảnh về việc chuyển SHP sẽ được đưa hằng tuần trên website của đề án 322 tại địa chỉ http://www.vosp.org".
Theo Tuổi Trẻ