Tiến sĩ trẻ nghiên cứu sao lùn nâu

37 tuổi với 25 công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu, từng nhận giải thưởng Henri Chrétien danh giá của Hội Thiên văn Mỹ, Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc có vị trí nhất định trong giới thiên văn quốc tế.

Thế nhưng, anh đã trở về Việt Nam làm giảng viên rồi trở thành Trường bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.
 
Năm 1997, chàng trai Phan Bảo Ngọc tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế Khoa Vật lý. Anh còn "thủ" thêm cho mình một lĩnh vực thời thượng là môn tin học và bắt đầu làm việc với khoản thu nhập kha khá. Lúc đó, anh muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất cố đô, nơi gắn liền với tuổi thơ, có gia đình và bè bạn. Nhưng rồi, cơ duyên cho anh gặp được nhà thiên văn người Pháp gốc Việt Nguyễn Quang Riệu khi ông về nước giảng dạy.
 
Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc
Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc.
 
Niềm đam mê với bầu trời bao la đầy bí ẩn trỗi dậy. Ngay từ nhỏ, khi được mẹ ôm vào lòng chỉ lên bầu trời đâu là mặt trăng, đâu là chòm sao Bắc Đẩu, chòm sao Thiên Nga, cậu nhóc Phan Bảo Ngọc luôn thắc mắc bên trong bầu trời kia là gì? Tưởng chừng đó chỉ là những thắc mắc thoáng qua của trẻ con, nhưng sau 20 năm, những câu hỏi ấy đã được chính cậu bé năm xưa tìm cách giải mã.

Anh bắt đầu khám phá bầu trời khi đặt chân sang Pháp. Phan Bảo Ngọc tốt nghiệp thạc sĩ của Trường ĐH Paris VI năm 2000 và bảo vệ luận án tiến sĩ chỉ hai năm sau đó. Tại đây, anh đã chọn cho mình hướng nghiên cứu về sao lùn nâu, một loại sao có khối lượng rất nhẹ, không đủ sáng để có thể quan sát thông thường nên dù giới thiên văn đặt giả thiết từ vài chục năm trước, nhưng vẫn chưa có đáp án chính thức. Bắt tay vào nghiên cứu thứ mà người ta chỉ mới đặt giả thuyết tất nhiên không dễ dàng. Nhưng cái khó lúc nào cũng đầy sức hút, đặc biệt đối với những gã trai trẻ nhiều lý tưởng luôn muốn khẳng định mình.

Mùa hè 2001, anh cùng các cộng sự tại Đài quan sát thiên văn Paris đã tìm ra phương pháp chuyển động riêng rút gọn cực đại (Maximum Reduced Proper Motion) để săn tìm các ngôi sao lùn cực nhẹ. Nghiên cứu của Phan Bảo Ngọc được công bố lần đầu tiên tại hội nghị quốc tế ở Hawaii vào tháng 5/2002. Với phương pháp này, họ đã phát hiện 80% số lượng sao lùn nâu, mở ra khả năng có thể phát hiện toàn bộ sao lùn nâu trong dải ngân hà.
 
Tiến sĩ (TS) Phan Bảo Ngọc tiếp tục theo đuổi nhiều dự án thiên văn lớn, chủ trì dự án đo và nghiên cứu hình dạng từ trường của các ngôi sao lùn đỏ với tài trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA)... Đang nghiên cứu tại ĐH Central Florida (Mỹ), TS Phan Bảo Ngọc được mời gọi ở lại Mỹ - "thánh đường" của lĩnh vực nghiên cứu thiên văn thế giới. Nhưng anh đã từ chối và chọn Viện Thiên văn và thiên văn vật lý Đài Loan làm điểm dừng chân bởi "Đài Loan gần Việt Nam hơn nên tôi dễ về thăm gia đình và bạn bè hơn".
 
"Có người nghĩ nghiên cứu khoa học là khô khan nhưng nghề của tôi rất thú vị. Bạn cứ hình dung xem, mỗi sáng thức dậy thấy mình đang ở trên những ngọn núi cao 3.000 - 4.000m, mây ở ngay dưới chân mịn màng như mặt hồ. Rất thú vị, ngoại trừ việc... khó hô hấp. Tôi yêu những chuyến đi để khám phá những bí ẩn trên bầu trời kia. Và hễ yêu cái gì, tôi sẽ làm cho bằng được", TS Ngọc nói. Anh cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu những ngôi sao lùn.
 
Lần này là cố tìm ra nguồn gốc hình thành của những vì sao. Hơn một thập kỷ qua, các nhà thiên văn tranh cãi quyết liệt và đưa ra nhiều "kịch bản" về việc hình thành sao lùn nâu. Lại là một thử thách nữa với vị tiến sĩ trẻ. Một nhóm các chuyên gia đến từ Viện Thiên văn Đài Loan, Trung tâm Thiên văn Đại  học Harvard và Đài quan sát Canarias (Tây Ban Nha) do anh làm trưởng nhóm lần đầu tiên đã phát hiện được hiện tượng giải phóng phân tử carbon oxide (CO) từ một sao lùn nâu có khối lượng cực nhỏ bằng kính thiên văn radio đặt trên đỉnh núi ở Hawaii.
 
Phát hiện trên gây ngạc nhiên lớn trong giới thiên văn quốc tế, bởi sự giải phóng CO chỉ quan sát được ở các ngôi sao thông thường có khối lượng lớn hơn rất nhiều lần so với sao lùn nâu. Giới thiên văn quốc tế không quá bất ngờ khi năm 2007, TS Phan Bảo Ngọc được nhận giải thưởng Henri Chrétien của Hội Thiên văn Mỹ, ghi nhận những công trình nghiên cứu xuất sắc, phương pháp mới trong nghiên cứu thiên văn trên thế giới. Nghiên cứu của anh góp phần cho hành trình khám phá những bí mật của vũ trụ.
 
Sở hữu hơn 20 công trình nghiên cứu mang tính đột phá được quốc tế công nhận và giải thưởng danh giá mà bất kỳ người nghiên cứu thiên văn nào cũng khao khát, năm 2009, TS Phan Bảo Ngọc quyết khăn gói về Việt Nam công tác tại Trường ĐH Quốc tế. Không chỉ trí thức Việt kiều mà hầu hết các nhà khoa học xuất thân từ các nước đang phát triển đều có cùng suy nghĩ: Về Việt Nam sẽ thiếu những điều kiện cần thiết để nghiên cứu khoa học.
 
Thôi thì ở nước ngoài để có những cống hiến nhiều hơn cho nước nhà bằng cách kiếm học bổng cho sinh viên Việt Nam đi du học. TS Phan Bảo Ngọc không phủ nhận điều đó, tuy nhiên, anh muốn quay về khi niềm đam mê còn cháy bỏng và nhất là khi còn sức lực để cống hiến. "Ở lại nước ngoài công tác, tôi sẽ được rất nhiều cho bản thân mình, từ điều kiện nghiên cứu đến tài chính cá nhân. Nhưng ở đó, không có mợ thì chợ vẫn đông, vẫn còn rất nhiều nhà khoa học lừng lẫy cống hiến. Trong khi nước mình rất cần những nhà khoa học trở về để xây dựng, nhà mình không lo thì để ai lo”, TS Ngọc cho biết. Những chuyến chu du vòng quanh thế giới, đến những đỉnh núi cao để ngắm nhìn bầu trời qua những kính viễn vọng khổng lồ rất thú vị. Nhưng càng đi nhiều, anh càng hiểu không nơi đâu bằng quê hương mình. Chính vì quyết định của anh quá "khác người" nên những người thân đã không đồng tình.
 
Mỗi buổi sáng được đánh thức bằng thứ tiếng Việt thân quen, những chiều rảnh rỗi có thể hàn huyên với bạn bè ở một góc cà phê nào đấy, mỗi lần nhớ có thể phóng xe về thăm cha mẹ và các chị... là những thứ không nơi đâu có được nếu không trở về Việt Nam. Có được cuộc sống tinh thần đúng nguyện vọng, TS Ngọc tiếp tục với những dự định trong công việc.
 
Bằng nền tảng nghiên cứu sẵn có, tận dụng tốt những mối quan hệ quốc tế và sự đầu tư của đơn vị đang công tác cũng như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, TS Phan Bảo Ngọc tiếp tục nghiên cứu những công trình mới tại quê nhà. Tháng 6/2011, thêm một nghiên cứu liên quan đến sự hình thành của sao lùn nâu đã được anh công bố trên một tạp chí quốc tế về vật lý thiên văn. Trong gần ba năm làm việc ở Việt Nam, anh còn công bố thêm sáu công trình khác trên các tạp chí quốc tế.
 
Theo Mỹ Hằng
Báo Phụ Nữ