Tiến sĩ trẻ bỏ lương 54.000 Euro/năm về Việt Nam dạy học

(Dân trí) - Nhận được lời mời công việc từ Viện năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) với mức lương 54.000 Euro/năm nhưng Tiến sĩ Lê Nguyên Khương (sinh năm 1985) chọn trở về nước và theo đuổi nghề giáo.


TS Lê Nguyên Khương tham dự hội Thảo CompDyn tại Hy Lạp 2013.

TS Lê Nguyên Khương tham dự hội Thảo CompDyn tại Hy Lạp 2013.

Du học Pháp với 8X Việt là một cái duyên. Năm 2003, anh trúng tuyển vào trường ĐH Xây Dựng với điểm cao và được chọn vào chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao của Pháp tại Việt Nam (PFIEV).

Sau 4 năm theo học, với kết quả học tập ấn tượng và danh hiệu Thủ khoa cuộc thi phân ngành PFIEV, Khương xuất sắc nhận được học bổng sang học tiếp 2 năm cuối chuyên ngành Xây dựng Cầu Đường của trường Cầu Đường Paris (Ecole des Ponts ParisTech) – một trong những trường danh giá nhất nước Pháp.

Trong 8 năm học tập và sinh sống tại Pháp, ngoài tấm bằng Kỹ sư trường Cầu Đường Paris và bằng tiến sĩ Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Pháp tại Lyon, anh còn tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm thực tế với 3 năm làm việc tại Tổng công ty Đường Sắt Pháp SNCF và Tập đoàn Xây dựng EGIS, cùng 8 bài báo đăng trên các tạp chí, hội nghị Khoa học uy tín quốc tế.

Dù bận bịu với công việc nhưng chàng trai Việt vẫn tích cực tham gia các phong trào của Hội Sinh viên Việt Nam tại Paris.

Khương góp mặt trong những hoạt động thường niên của Hội du học sinh Việt Nam tại Lyon - Pháp như trưởng ban nghiên cứu khoa học, phụ trách công tác đón tiếp sinh viên mới... Đóng góp của anh được ghi nhận với bằng khen của Hội SV Việt Nam tại Pháp năm 2013.

Trong quá trình làm NCS, TS Khương đã phát triển thành công phần mềm KM-Editor - hỗ trợ lập trình mô phỏng và tính toán tự động hóa với phần mềm mã nguồn mở CAST3M (phần mềm của Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp CEA).

Năm 2014, phần mềm KM-Editor đã được chính CEA kiểm chứng và quảng cáo tới người dùng. Vốn là người tự học lập trình qua mạng Internet, KM-Editor là sản phẩm để TS Khương tự tin truyền cảm hứng tới các bạn sinh viên về niềm đam mê lập trình cùng tác dụng của công nghệ thông tin tới hiệu quả và chất lượng công việc.

Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ tại INSA de Lyon,với kết quả nghiên cứu ấn tượng cùng các ý tưởng phát triển phầm mềm KM-Editor thành phần mềm thương mại, tiến sĩ trẻ nhận được đề xuất công việc từ phía CEA với mức lương 54.000 Euros/năm (hơn 5000 USD/ 1 tháng). Song cuối cùng, anh đã có quyết định bất ngờ là từ bỏ những lời mời và công việc hấp dẫn ở châu Âu để trở về Việt Nam.


TS Khương giới thiệu về hệ thống LAWA-UTT trong hội nghị An toàn Giao thông quốc gia năm 2016.

TS Khương giới thiệu về hệ thống LAWA-UTT trong hội nghị An toàn Giao thông quốc gia năm 2016.

Gia đình vốn có duyên với nghề giáo từ thời ông nội, hiện tại mẹ và em gái của TS Lê Nguyên Khương đều là giảng viên. Với anh làm giảng viên là một nghề đẹp và ý nghĩa. Hiện tại, anh là giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội (UTT).

Hỏi về lý do từ bỏ công việc cùng mức thu nhập hấp dẫn để về Việt Nam, TS Lê Nguyên Khương tâm sự : “Dù đi đâu thì Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình và bạn bè tôi sinh sống.

Việt Nam hiện nay cũng là nơi có rất nhiều cơ hội phát triển cho chúng tôi – các nhà khoa học trẻ, khi mà các chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao đang được thực hiện ở nhiều cơ quan, tỉnh thành trên toàn quốc.

Thêm nữa, với đặc thù chuyên môn (làm mô phỏng và lập trình tự động hóa các quy trình tính toán), việc trở về nước công tác không có nghĩa là tôi phải từ bỏ cơ hội làm việc với các đối tác nước ngoài”.

Khoảng cách địa lý không còn là rào cản lớn cho công việc, hiện TS Khương đang thực hiện song song hai dự án nghiên cứu với INSA de Lyon và EDF – Pháp.


8X Việt tham gia hội thảo Nhà khoa học trẻ ngành GTVT.

8X Việt tham gia hội thảo Nhà khoa học trẻ ngành GTVT.

Không chỉ tích cực trong vai trò làm đầu mối và là người trực tiếp thực hiện các dự án nghiên cứu với nước ngoài, TS Khương còn tham gia trả lời các câu hỏi, các vấn đề về khoa học liên quan tới ngành Giao Thông Vận Tải.

Anh chia sẻ thêm: "Công tác trong một trường Đại học trực thuộc Bộ giao thông, tôi có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận và tham gia giải quyết các vấn đề nóng của ngành. Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không - ứng dụng trong giao thông đường thủy (LAWA-UTT) do tôi đề xuất ý tưởng và trực tiếp tham gia nghiên cứu chế tạo là một ví dụ.

Đây là vấn đề Khoa học mà Cục Đường thủy nội địa đã đặt hàng với UTT trong cuộc họp đầu năm 2016 với mong muốn giảm thiểu nguy cơ va xô giữa tàu thuyền với cầu vượt sông. Hiện tại hệ thống đã được triển khai lắp đặt tại cầu Đuống, Hà Nội và cầu Đò Quan, Nam Định".

Được đứng trước các bạn sinh viên trẻ, truyền kiến thức và kinh nghiệm sống cho các em là niềm vui của tiến sĩ 8X. Ngoài thời gian lên lớp và thời gian thực hiện các dự án Nghiên cứu Khoa học, anh còn tham gia hỗ trợ nhà trường trong công tác hợp tác quốc tế và mở các chương trình đào tạo liên kết với Pháp.


Giảng viên trẻ Lê Nguyên Khương (trái, ngoài cùng) là nhân tố thúc đẩy hợp tác quốc tế ở ngôi trường anh đang công tác.

Giảng viên trẻ Lê Nguyên Khương (trái, ngoài cùng) là nhân tố thúc đẩy hợp tác quốc tế ở ngôi trường anh đang công tác.

Khi được hỏi rằng “mức lương nghề giáo ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với công việc có đãi ngộ lớn ở Pháp, anh có bao giờ nuối tiếc?”, TS Lê Nguyên Khương đáp: “Mục tiêu chính của tôi là truyền dạy tri thức, trau dồi bản thân và làm giàu bằng nghiên cứu khoa học.

Nghề nào cũng có những khó khăn riêng đòi hỏi người theo đuổi phải thực sự đam mê và cố gắng hết mình mới có được thành công. Tới thời điểm hiện tại tôi chưa thấy nuối tiếc với sự lựa chọn của mình”.

TS Lê Nguyên Khương tâm sự, anh đang nỗ lực lên kế hoạch thực hiện trang web và phát triển tiếp một số phần mềm nhằm hỗ trợ việc học lập trình mô phỏng tính toán cho sinh viên, nghiên cứu sinh và các chuyên gia trong nghề nhằm góp phần nâng cao chất lượng học ngành kỹ sư ở Việt Nam, tiến tới hội nhập quốc tế.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục