Tiến sĩ giành giải "Nobel Toán học" từng có điểm số "bết bát"
(Dân trí) - Hầu hết các nhà toán học kiệt xuất đều tìm thấy niềm đam mê với Toán học khi còn trẻ và giành được nhiều thành tích xuất sắc trên trường quốc tế. June Huh thì khác, ông từng học kém môn toán.
"Tôi học khá giỏi hầu hết các môn, ngoại trừ toán. Điểm số môn này của tôi chỉ ở mức trung bình - khá. Một số bài kiểm tra tôi làm khá ổn, nhưng các bài khác đôi khi tôi tưởng như đã thất bại", ông thừa nhận.
Thời niên thiếu, ông mong muốn trở thành một nhà thơ. Ông đã dành vài năm để theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nhưng không có tác phẩm nào được xuất bản.
Khi học cấp 2, ông đã thử một trò chơi trên máy tính mang tên "Giờ thứ 11". Trò chơi này có 4 quân cờ trắng - đen xếp trên một bàn cờ nhỏ có hình dạng kỳ lạ, nhiệm vụ của người chơi là hoán đổi vị trí của quân màu đen và quân màu trắng.
June Huh nhận ra việc ghi lại các vấn đề toán học bằng cách đơn giản hóa chúng và nương theo đó để tìm ra đáp án trở thành chìa khóa của nhiều phát hiện đột phá.
Khi vào ĐH Quốc gia Seoul, Tiến sĩ Huh quyết định theo học Vật lý và Thiên văn học. Cho đến năm cuối đại học, June Huh mới cảm thấy bản thân có niềm đam mê với môn Toán.
Năm đó, Heisuke Hironaka - một nhà toán học Nhật Bản từng giành huy chương Fields năm 1970 - đến Đại học Quốc gia Seoul làm giáo viên thỉnh giảng. June Huh đã tham dự lớp học của Hironaka để viết bài về người này.
"Ông ấy giống như một siêu sao ở Đông Á", June Huh nói về Tiến sĩ Hironaka. Ban đầu, khóa học thu hút hơn 100 học viên. Tuy nhiên, sau 3 bài giảng, chỉ còn June Huh và 4 người khác ở lại trong lớp toán.
Kết thúc mỗi buổi học, Huh ở lại trò chuyện cùng giáo sư Hironaka và hai người thường dùng cơm trưa với nhau. Huh tận dụng thời gian đó để hỏi Hironaka về bản thân ông, nhưng câu chuyện luôn quay trở lại với toán học.
"Tôi cố gắng không để lộ ra rằng mình không giỏi Toán và chăm chú nghe những gì thầy nói. Đó thực sự là một thử thách vì tôi không quá am hiểu chuyên sâu lĩnh vực này", Huh nói.
Sau đó, June Huh tốt nghiệp. Năm 2009, ông nộp đơn vào hàng chục trường đại học ở Mỹ để tiếp tục học lên tiến sĩ. "Tôi khá tự tin rằng mặc dù điểm của tất cả các môn toán đều không quá đẹp, nhưng tôi lại nhận được một lá thư giới thiệu từ một người đạt huy chương Fields, vì vậy tôi tưởng sẽ được chấp nhận từ rất nhiều trường", June Huh kể lại.
Song, các trường đều từ chối và chỉ duy nhất Đại học Illinois Urbana - Champaign cho ông vào danh sách chờ trước khi quyết định chấp nhận hồ sơ.
Sau vài tuần, ông được chấp nhận vào học. Tại Illinois, ông bắt đầu công việc nghiên cứu về lĩnh vực tổ hợp xác suất. Với những gì đã tích lũy từ quá trình học cùng Tiến sĩ Hironaka, June Huh đã chứng minh được giả thuyết Read.
Năm 2015, Tiến sĩ Huh, cùng với Eric Katz của Đại học Bang Ohio và Karim Adiprasito của Đại học Hebrew ở Jerusalem, đã chứng minh Giả thuyết Rota, liên quan đến các đối tượng tổ hợp trừu tượng. Giả thuyết Rota gắn với đối tượng trừu tượng hơn là "matriod".
Cũng từ đây, những nỗ lực nghiên cứu Toán học giúp vị Giáo sư này gặt hái được khá nhiều thành công. Năm 2017, Tiến sĩ Huh giành Giải thưởng Blavatnik dành cho các nhà khoa học trẻ của Mỹ.
Năm 2019, giảng viên ĐH Princeton này gặt hái liên tiếp 2 giải thưởng quan trọng là Giải thưởng Chân trời mới cho thành tựu đầu sự nghiệp và Giải thưởng Đột phá về Toán học.
Và 3 năm sau, năm 2022, vị Giáo sư Mỹ gốc Hàn này giành được Huy chương Fields 2022 - được ví như "Nobel Toán học", vì những cống hiến giúp "đưa các ý tưởng của lý thuyết Hodge vào tổ hợp, bằng chứng của giả thuyết Dowling - Wilson cho mạng hình học, bằng chứng của phỏng đoán Heron - Rota - Welsh".