“Tiền đâu cho con đi học bây giờ!”
Đó là câu thở dài của mẹ em Nguyễn Ngọc Quế, thôn Thọ Quang, Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi con trai thứ hai đậu vào Học viện Chính trị Quân sự.
Bán non hơn một tấn muối mới được gần 300.000 đồng. Nhưng đó vẫn là số tiền quá ít so với 1,5 triệu đồng mà bà phải lo cho con trai nộp vào trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An để rút hồ sơ.
Vượt qua cánh đồng còn ngổn ngang những đống muối chưa thu hoạch, chúng tôi tìm đến nhà Quế. Khi chúng tôi đến, Quế đang xếp những quyển sách cũ vào túi bóng đem bán cho hiệu sách cũ với hy vọng kiếm được mươi ngàn phụ thêm vào số tiền bố mẹ lo cho em chuyển trường.
Dáng người gầy, nước da ngăm đen của một chàng trai xứ biển cùng với chiều cao 1,8m khiến Quế lớn hơn cái tuổi hai mươi của mình rất nhiều. Cầm quyển sách “Văn học 12” trên tay, Quế than thở: “Những quyển sách này đã theo em bao năm giờ phải bán đi xót lắm!”.
Năm ngoái Quế thi vào Học viện Chính trị Quân sự nhưng không đậu phải chuyển xuống trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Quyết tâm học đại học không làm lung lay được ý chí của chàng trai xứ Nghệ. Vừa học lại vừa ôn thi, năm nay Quế đã thực hiện được ước mơ của mình: “Nhà em nghèo, nếu không vào trường quân đội thì bố mẹ làm sao đủ sức lo cho em ăn học”.
Mong muốn được san sẻ gánh nặng cơm áo với gia đình là động lực giúp Quế vượt qua được những khó khăn để đến với giảng đường đại học.
Quế là con thứ hai trong gia đình bốn chị em. Chị cả của Quế, chị Nguyễn Thị Hải Lý vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm Đà Nẵng năm ngoái, hai em đang độ tuổi đến trường.
Hàng ngày, Quế còn phải cùng bố mẹ chăm sóc ông bà nội đang nằm liệt giường vì bệnh tật. Thu nhập mỗi ngày của gia đình chưa bao giờ vượt quá con số 10.000 đồng.
Khi chị Lý tốt nghiệp đại học, mẹ Quế phải chạy vạy khắp nơi vay được 5 triệu, đồng thời phải thế chấp căn nhà hai gian cũ kỹ cho ngân hàng để vay thêm hơn sáu triệu lo xin việc cho con. Số nợ ấy vẫn còn đeo đẳng lấy gia đình Quế. Mẹ Quế cho biết, ngân hàng đã có giấy gọi trả tiền một tuần nay nhưng vẫn chưa có tiền để trả. Giờ lại đến lượt Quế...
Vẫn biết Quế học Quân sự thì số tiền học giảm đi được ít nhiều. Nhưng còn 1,5 triệu tiền cược nộp cho trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An biết xoay vào đâu! Và còn bao khoản tiền khác cần phải chi tiêu cho ngày nhập học. Lấy tiền ở đâu cho con ăn học trong khi món nợ của gia đình đã đến thời hạn phải trả. ở cái mảnh đất nghèo khó này, 1,5 triệu là cả một vấn đề, đâu có thể xoay xở một sớm một chiều là có ngay được, trong đôi mắt người mẹ thương con hằn lên nỗi lo âu khó tả.
Còn bố của Quế thì lang thang khắp nơi, lúc xây cái kho, lúc cái bếp… Tiền công thì khi có, khi bị nợ, thành thử khó khăn cứ nối tiếp khó khăn. Hay tin con trai đậu đại học, niềm vui chưa dứt, ông đã lục cục đưa chiếc xe đạp cũ vứt trong góc nhà mấy năm nay ra lau chùi, sửa sang.
Mua một bì muối sạch, đạp hàng chục cây số đi bán rong với mong muốn kiếm thêm chút tiền cho con ăn học, ông nói trong chua xót: “Cái nghề ni cực lắm, tui đã bỏ hơn mười năm nay nhưng bây giờ không còn cách nào khác kiếm ra tiền, đành phải quay trở lại chớ biết mần răng”.
Bao đêm Quế nằm khóc một mình. Mẹ động viên, Quế gạt nước mắt nói đầy quyết tâm: “Càng khó khăn con càng cố gắng học mẹ ạ!”.
Nguyễn Chí Kiên
(K49 Báo chí, ĐHKHXH&NV Hà Nội)
Theo Tiền Phong