Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua

Lệ Thu

(Dân trí) - Tuần qua, thưởng Tết giáo viên, tiến sĩ Việt tại Mỹ sáng chế khẩu trang sinh học tự phân hủy, thí sinh Hà Nội đạt giải HSG Quốc gia nhiều nhất nước… là những tin tức giáo dục nổi bật nhất.

Sở GD&ĐT TPHCM thưởng tết giáo viên 1,5 triệu đồng/người

Dịp cận Tết, chủ đề lương thưởng cho người lao động nói chung và giáo viên nói riêng luôn được quan tâm. Tuần qua, Sở GD&ĐT TPHCM đã công bố mức chi quà Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho giáo viên, công nhân viên tại các đơn vị công lập trực thuộc Sở là 1,5 triệu đồng/người.

Về kinh phí, lãnh đạo Sở cho hay, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động: ngân sách TP bổ sung dự toán kinh phí để chi quà Tết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị.

Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua - 1

Giáo viên tại các đơn vị giáo dục thuộc Sở GD&ĐT TPHCM được thưởng Tết 1,5 triệu đồng/người.

Để kịp thời chi quà Tết cho các đối tượng trên, đề nghị các đơn vị chi từ nguồn kinh phí được giao dự toán trong năm 2021 hoặc tạm ứng từ nguồn thu khác của đơn vị. Đồng thời đơn vị có văn bản đề nghị bổ sung dự toán năm 2021.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên: Đơn vị tự cân đối từ nguồn kinh phí giao tự chủ, nguồn thu của đơn vị để chi quà Tết cho cán bộ, viên chức, người lao động tại đơn vị.

7 đại học kỹ thuật lớn hợp sức tiên phong đổi mới nâng cao chất lượng

Về mảng giáo dục Đại học, sự kiện đáng chú ý tuần qua là vào ngày 22/1, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bảy trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện nhằm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đối số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu.

Đó là các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng.

Các trường đã thực hiện ký kết biên bản hợp tác toàn diện về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực hiện Sứ mạng và Chiến lược phát triển của mỗi Trường, tiến tới hình thành nhóm các trường kỹ thuật tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua - 2

7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện nhằm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đối số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu.

Hợp tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển và lớn mạnh giữa các bên tham gia trong tương lai.

Đặc biệt, các trường thống nhất xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up, spin-off chung trên cơ sở các hợp tác nghiên cứu đạt được. Các trường thống nhất cùng phối hợp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đối số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu.

Chính phủ yêu cầu sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng

Cũng trong tuần qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 446/VPCP-KGVX vào ngày 19/1 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Xét Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Ghi nhận việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tổ công tác làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng; làm rõ quá trình xử lý Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đối chiếu với các quy định của pháp luật; có hướng dẫn việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công khai, minh bạch nội dung báo cáo; trả lời, tiếp thu các ý kiến liên quan.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện để Trường Đại học Tôn Đức Thắng sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo theo quy định và tiếp tục phát triển.

Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua - 3

Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ngày 22/1, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã báo cáo đề án thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan.

Đề án về việc thành lập Hội đồng trường ĐH Tôn Đức nhiệm kỳ 2020-2025 được đại diện tập thể lãnh đạo trường chốt, trình Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn công tác Bộ GD&ĐT ngày 19/1.

Theo kế hoạch, Hội đồng trường đại học này sẽ có 21 thành viên nhưng do tình hình nhân sự hiện tại, số lượng thành viên ban đầu sẽ là 17. Khuyết 4 thành viên (2 thành viên trong trường, 2 thành viên ngoài trường), sẽ bổ sung sau khi có đủ điều kiện.

Nhóm thành phần đương nhiên gồm 4 người, sẽ bầu trước 2 người là Chủ tịch Công đoàn và người học là đại diện Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; khuyết vị trí Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng do chưa có.

Nhóm thành viên bầu trong trường có 8 người đại diện cho giảng viên, khối viên chức hành chính, viên chức nghiên cứu khoa học. Nhóm thành viên ngoài trường gồm 7 người sẽ có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động, UBND TP HCM, Liên đoàn Lao động TP HCM, Đảng ủy khối Đại học - Cao đẳng TPHCM và đại diện khối cộng đồng xã hội.

Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt vào ngày 30/1. Hội nghị toàn thể bầu thành viên hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào sáng 5/2. Hội đồng trường họp, bầu phó chủ tịch, thư ký hội đồng trường chiều 5/2. Nhân sự Hội đồng trường sẽ được trình Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận trước ngày 21/2.

Kỹ sư Việt tại Mỹ sáng chế khẩu trang sinh học tự phân hủy, hiệu quả như N95

Một tin vui làm nức lòng cộng đồng học giả Việt tuần qua được Dân trí khác thác độc quyền là PGS.TS Nguyễn Đức Thành - một trong những kỹ sư trẻ xuất sắc nhất thế giới đã sáng chế thành công loại khẩu trang đột phá, hiệu quả gần như khẩu trang N95 nhưng có thể tự phân hủy và dùng nhiều lần.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp toàn cầu tạo nên nhu cầu "khổng lồ" về khẩu trang. Và dĩ nhiên, kèm với đó là những đống rác thải không phân hủy vì khẩu trang y tế dùng một lần đa phần làm từ polymer tổng hợp.

Từ thực tiễn đó, PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng) đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Connecticut (Mỹ) - người từng được Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ tôn vinh là "Người mở đường" cho các nhà nghiên cứu trẻ đã sáng chế thành công loại khẩu trang sinh học tự phân hủy để giải quyết bài toán môi trường.

Nhóm anh sử dụng một tấm màn polymer tự tiêu, một vật liệu mà nhóm đã phát minh ra trong khoảng 2-3 năm trở lại đây (tấm màn nanofiber này đã được nhóm trình bày trên tạp chí khoa học lớn), để làm ra một loại khẩu trang có khả năng tự tiêu hủy nhưng lại có thể tái sử dụng trong một khoảng thời gian dài và có thể lọc virus, vi khuẩn và bụi bẩn gần như tương tự với khẩu trang N95.

Đáng chú ý, khẩu trang có hiệu quả lọc bụi gần như tương đương loại khẩu trang cao cấp KN95 hay N95 nhưng lại có nhiều tính năng đột phá hơn như có thể tự phân hủy và dùng được nhiều lần.

Thông tin đang gây tiếng vang trong giới khoa học. Hiện, sản phẩm đã được đăng ký bằng sáng chế, phòng thí nghiệm của mình đang tiến hành thành lập một startup để thương mại hóa những sản phẩm nghiên cứu này. Cũng rất hy vọng một ngày không xa, những sản phẩm nghiên cứu sẽ có mặt ở Việt Nam.

Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua - 4
PGS.TS Nguyễn Đức Thành (sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng) đang nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật y sinh, trường Đại học Connecticut (Mỹ).

Thí sinh Hà Nội đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhiều nhất nước

Thành phố Hà Nội có 139 thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, nhiều nhất cả nước, với 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích.

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021.

Theo đó, thành phố Hà Nội có 139 thí sinh đạt giải, nhiều nhất cả nước, với 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích.

Cụ thể: Có 11 giải nhất ở các môn: Toán (2 giải), Vật lí (2 giải), Hóa học (4 giải), Lịch sử (1 giải), Địa lí (1 giải), Tiếng Anh (1 giải).

45 giải nhì ở các môn: Toán (5 giải); Vật lý (5 giải); Hóa học (7 giải); Sinh học (6 giải); Tin học (2 giải); Lịch sử (4 giải); Địa lí (6 giải); Tiếng Anh (9 giải); Tiếng Trung (1 giải).

Thưởng Tết cho giáo viên là tin giáo dục nổi bật nhất tuần qua - 5

Thành phố Hà Nội có 139 thí sinh đạt giải, nhiều nhất cả nước, với 11 giải Nhất, 45 giải Nhì, 50 giải Ba và 33 giải Khuyến khích. (Ảnh: Minh họa).

50 giải ba ở các môn: Toán (4 giải); Vật lí (6 giải); Hóa học (4 giải); Sinh học (6 giải); Tin học (7 giải); Ngữ văn (2 giải); Lịch sử (5 giải); Địa lý (3 giải); Tiếng Anh (6 giải); Tiếng Pháp (6 giải); Tiếng Trung (1 giải).

33 giải khuyến khích ở các môn: Toán (2 giải); Vật lí (4 giải); Hóa học (3 giải); Sinh học (2 giải); Tin học (1 giải); Ngữ Văn (2 giải); Lịch sử (6 giải); Địa lí (2 giải); Tiếng Anh (3 giải); Tiếng Nga (3 giải); tiếng Pháp (4 giải), tiếng Trung (1 giải).

Với kết quả trên, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021.