Thực tập, xin việc ngành Kinh tế và quản lý tại Pháp có gì đáng lưu ý?
(Dân trí) - Những chú ý khi dự tuyển hay những kinh nghiệm xin thực tập, xin việc ngành kinh tế và quản lý tại Pháp đã được những cựu sinh viên Pháp xuất sắc chia sẻ trong một cuộc hội thảo gần đây tại Hà Nội.
Chương trình hội thảo do Campus France Viet Nam – trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 17/11 vừa qua tại Hà Nội với mục đích giải đáp những thắc mắc cũng như những bài học kinh nghiệm để dự tuyển về ngành học Kinh tế và quản lý tại Pháp, cơ hội việc làm sau đó.
Theo các diễn giả, tại Pháp không có nhiều chương trình học bổng dành cho du học sinh tuy nhiên chỉ cần bạn đăng ký vào một trường công tại Pháp thì hiển nhiên bạn sẽ được chính phủ Pháp hỗ trợ 14.000 euro/ năm/ sinh viên. Vì vậy, trước khi quyết định dự tuyển, bạn trẻ Việt phải xác định được cho mình trường học mong muốn cũng như ngành học phù hợp với điểm mạnh, điểm yếu; nhu cầu, mục đích tương lai của bản thân.
Chị Bá Linh - phụ trách Mạng lưới cựu học sinh tại Pháp ở Đại sứ quán Pháp, từng có 5 năm học tập tại Pháp chia sẻ lưu ý đối với những bạn muốn học thạc sĩ ở Pháp với ngành học trái với ngành học ở Việt Nam.
“Đất nước Pháp rất rộng mở vấn đề trên và hết sức tạo điều kiện cho các bạn được theo học ngành học khác và công nhận chứng chỉ ở cấp bậc học đó của bạn mà không bắt buộc các bạn phải học lại. Ví dụ như bạn muốn học thạc sĩ ngành kinh tế thì sẽ không phải học lại đại học nếu đã hoàn thành bậc đại học ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khi có ý muốn đổi định hướng ngành khi du học tại Pháp (sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam) thì trong hồ sơ dự tuyển vào thạc sĩ bạn sẽ cần phải trình bày được kế hoạch học tập xuyên suốt đến mục tiêu kế hoạch làm việc sau này của bản thân, đưa ra lý do thuyết phục trong thư động lực và CV gửi cho nhà trường”, nữ diễn giả chia sẻ.
Để tăng sức thuyết phục cho bộ hồ sơ dự tuyển, ứng viên phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc gần nhất mà bạn đã nghiêm túc tìm hiểu và tích lũy. Dù thiếu kiến thức nền tảng về chúng nhưng đổi lại bạn có được những trải nghiệm mới nhất về ngành học và chứng tỏ bản thân có một thái độ học tập tốt. Ngoài chuẩn bị những giấy tờ cần thiết, ứng viên còn cần một tâm lý vững vàng để hoàn thành các bước dự tuyển.
Chị Mỹ Linh (Tốt nghiệp Đại học Montpellier, Pháp) chia sẻ cho biết, ở cấp học cử nhân tại Pháp, sau khi kết thúc năm 3 bạn có thể tham gia một kì thực tập kéo dài 6 tháng (không bắt buộc) và ở cấp thạc sĩ là ở cuối năm 2. Trước thời điểm thực tập vài tháng - vào tháng 10 là khoảng thời gian bạn cần phải tìm kiếm trước nơi thực tập vì hồ sơ xin thực tập rất tốn thời gian.
“Bạn cần có chứng nhận từ 3 phía: nhà trường, doanh nghiệp, cá nhân. Như vậy, nếu hoàn thiện sớm hồ sơ sớm sẽ tránh được các rủi ro bất ngờ. Làm việc hơn hai tháng bạn sẽ được trả lương khoảng 554 euro mỗi tháng, có khi lên 1000 đến 1500 euro tùy vào công ty”, diễn giả này cho hay.
Anh Vũ Đức Giang (Cố vấn thương mại và đầu tư, Đại sứ quán Haiti, Phó chủ tịch Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp & Mạng lưới Khởi nghiệp Cựu du cho học sinh Việt Nam tại Pháp) cho biết: “Ở Pháp, cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập được rộng mở bởi Pháp là quốc gia có nền kinh tế phát triển và nền giáo dục tiên tiến vì vậy Pháp có hệ thống đối tác rộng khắp trên thế giới.
Do vậy, sinh viên có quyền lựa chọn thực tập ở Việt Nam hoặc ở lại Pháp hay các nước thuộc khối liên minh Châu Âu, Châu Mỹ”.
Hướng dẫn về cách tìm nguồn việc làm, thực tập, diễn giả Mỹ Linh chia sẻ: “Tin tức tuyển dụng mình có được đến từ nhà trường thông qua bảng tin của khoa, qua các lớp học hướng dẫn tìm thực tập do nhà trường tổ chức, từ giáo viên chuyên môn trên lớp hay đến từ các đối tác của nhà trường.
Về phía bản thân, sinh viên cũng cần chủ động tìm kiếm bằng cách thiết lập tài khoản hồ sơ cá nhân trên các trang tin tuyển dụng, tìm kiếm trên mạng lưới sinh viên của mỗi tỉnh ở Pháp mà bạn theo học. Một số trang gợi ý như: Linkedin, Monster.fr, Jobstage.com,…”.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Pháp, bạn sẽ có cơ hội ở lại Pháp làm việc. Còn khi về Việt Nam, bạn sẽ có cơ hội được làm việc trong Đại sứ quán hoặc được tổ chức Cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp hỗ trợ về việc tìm kiếm việc làm trong ngành mà bạn đã theo học.
Huyền Trang