Thực hư giảng viên đại học công khai ủng hộ quan điểm làm "sugar baby"
(Dân trí) - Một Á hậu, được giới thiệu là giảng viên thỉnh giảng đại học bị chỉ trích vì công khai ủng hộ quan điểm làm "sugar baby" (cô gái sống dựa vào đàn ông) .
Mới đây, trên trang cá nhân, Á hậu Lê Phương Thảo đăng tải đoạn clip chia sẻ quan điểm ủng hộ các bạn trẻ làm "sugar baby".
"Sugar baby" là từ lóng dùng ở Việt Nam được hiểu là những cô gái dùng nhan sắc, tình cảm, tình dục… để đổi lấy tiền, quà cáp hoặc sự hỗ trợ về tài chính/vật chất từ những người đàn ông.
Những người đàn ông này sẽ được gọi là "sugar daddy" tạo nên mối quan hệ sugar baby - sugar daddy, được cư dân mạng gọi vui là quan hệ "bố đường - bé đường".
Câu chuyện về các bạn trẻ làm "sugar baby" không xa lạ bởi nó rộ lên trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, điều khiến dư luận phản ứng dữ dội bởi quan điểm của Lê Phương Thảo được đưa ra chưa phù hợp với quan niệm về đạo đức và thuần phong mỹ tục của người phương Đông.
Đặc biệt, khi cô là một Á hậu, Người đẹp Truyền thông và từng được giới thiệu là giảng viên thỉnh giảng của một trường đại học.
Á hậu Phương Thảo sinh năm 1994. Người đẹp Thái Bình được biết đến là Giám đốc dự án bất động sản.
Cô cũng từng được giới thiệu giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Thạc sĩ Anh Quốc ngành quản trị.
Phương Thảo từng có khoảng thời gian 5 năm học và làm việc tại London, Anh Quốc từ năm 18 tuổi. Năm 2022, cô đăng quang Á hậu 1 Hoa hậu Thể thao Việt Nam - Miss Fitness Vietnam.
Cụ thể, Phương Thảo chia sẻ: "Mình ủng hộ các bạn nữ làm sugar baby nhé, miễn các bạn đừng làm người thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác là được".
Theo Á hậu này, các bạn trẻ cứ yêu những người lớn tuổi bởi bây giờ hầu hết những người trẻ, bản thân họ còn lo chưa xong, bận rộn gây dựng sự nghiệp, lo kiếm tiền. Vì thế, họ sẽ không chăm sóc chu đáo cho người yêu.
"Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu. Nếu gu của bạn là yêu người trẻ cho vui thì không nói, nhưng để muốn có một cuộc sống ổn định và mối quan hệ lâu dài hãy kiếm những người lớn tuổi mà yêu. Lấy nhau về đừng để cãi nhau vì tiền... Đập bát, đập chén. Mệt lắm!", Phương Thảo bày tỏ.
Dưới phần chia sẻ của Phương Thảo, nhiều ý kiến chỉ trích nàng á hậu đã cổ súy cho việc dựa dẫm vào người khác mà hạ thấp giá trị bản thân của mình. Điều này chưa phù hợp với quan niệm về đạo đức và thuần phong mỹ tục của người phương Đông.
Chưa kể, "sugar baby" vẫn còn là định nghĩa tiêu cực trong văn hóa Việt. Trên thực tế, mối quan hệ này dần có xu hướng biến tướng trở thành một hình thức mại dâm trá hình, vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Do đó, quan điểm của Á hậu Phương Thảo sẽ định hướng sai cho thế hệ trẻ.
Về phát ngôn gây tranh cãi của mình, Lê Phương Thảo sau đó giải thích "sugar baby" nghĩa gốc dùng để chỉ người trẻ tuổi được người lớn tuổi hơn bao bọc nên mối quan hệ này có thể có yêu đương lãng mạn hoặc không. Người trong mối quan hệ đó có thể có gia đình hoặc không.
"Về cơ bản trong phát ngôn mình đã nói lựa chọn tình yêu với người lớn tuổi hơn vì họ đã ổn định công việc, có khả năng chăm sóc và tuyệt đối không làm người thứ ba", cô nói.
Sau khi nhận về nhiều "gạch đá", Lê Phương Thảo tiếp tục đăng clip "đánh tráo khái niệm" và cho rằng phụ nữ Việt Nam bị ngược đãi.
Phương Thảo cho biết bị chỉ trích là loại lười, không làm mà vẫn muốn có ăn tại vì ủng hộ việc yêu người lớn tuổi, bị nói rằng lan truyền tư tưởng độc hại.
Song, Á hậu phản bác: "Các bạn bảo mình lan truyền tư tưởng độc hại. Chính các bạn mới là những người độc hại ấy. Trời ơi! Mỗi lần mình đến ngân hàng ở Việt Nam, mình nhìn những người phụ nữ có bầu to tướng vượt mặt rồi và người ta vẫn phải đi làm trong đầu mình kiểu như là: "Trời ơi, người chồng của chị này đã làm gì với chị? Tại sao lại mang bầu to tướng thế kia?".
Người đẹp quê gốc Thái Bình quan niệm rằng phụ nữ khi mang bầu và chăm sóc con cái hao tổn nhiều thời gian và sức khỏe nhưng vẫn phải đi làm. Đó là bị ngược đãi, bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần.
Đồng thời, cô nàng chỉ trích đàn ông khi không lo được cho gia đình, để vợ vất vả làm lụng. Dẫn chứng thêm, Phương Thảo chỉ ra các bạn nam ở một số nước chỉ cần có người yêu mà không cần phải nấu nướng hay làm việc.
"Đến như con chim ấy, khi mà con cái yếu, phải đẻ, con đực còn biết tha mồi về tổ. Thế mà đến con người là nam giới, còn không lo được tha mồi về tổ thì các bạn còn không cả bằng con chim", Á hậu Lê Phương Thảo so sánh.
Trong một bài đăng khác, người đẹp sinh năm 1994 thẳng thắn nói phụ nữ phải biết tiết kiệm, phòng thân. Khi chưa kết hôn, có đồng tiền nào cần tiết kiệm bằng được. Ở thời điểm độc thân dễ dàng được bạn trai hỗ trợ cấp tài chính nên tranh thủ tích cóp để dùng sau này.
Khi kết hôn, nếu chồng khá giả cho 10 nên tiêu 5-6, để dành 4 phần. Nếu chồng chỉ làm ăn đủ tiêu, phụ nữ bắt buộc phải đi làm để chủ động cuộc sống.
Ở đám cưới, cô dâu thường được tặng trang sức, đồ quý giá như vàng bạc, kim cương, đá quý... Á hậu khuyên phải mang hết về nhà mẹ đẻ, không được để ở nhà của hai vợ chồng. Đây là kỹ năng sinh tồn để phòng sau này có bất trắc sẽ đảm bảo cuộc sống của bản thân và con cái.
Nhiều cư dân mạng đã phản bác ý kiến của Á hậu Phương Thảo. Tài khoản Hoàng Long viết, quan điểm này nghe qua tưởng thực tế, thực dụng nhưng thực chất đang mang lối tư duy coi thường người phụ nữ.
Từ chia sẻ có thể thấy tư tưởng coi người phụ nữ chỉ như những kẻ ăn bám, không thể làm được việc lớn và phải dựa dẫm vào người đàn ông "lớn tuổi hơn, có tiền".
"Mình nghĩ, ở khía cạnh tình cảm, bất kể người phụ nữ nào cũng xứng đáng được người yêu, người chồng của mình yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, lo lắng. Nó đơn giản như việc lắng nghe suy nghĩ, mong muốn của nhau trong cuộc sống, giúp đỡ nhau công việc nhà, cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy con cái...", Hoàng Long viết.
Theo bạn này, trong chuyện tình cảm, cô á hậu đang đề cao nhiều đến khía cạnh vật chất.
Tài khoản Mai Oanh bình luận: "Mỗi người một hoàn cảnh, vợ chồng cùng nhau cố gắng, chứ giờ một mình chồng đi làm thì tiền ăn, tiền sinh hoạt, rồi sau lấy tiền đâu để nuôi con?".
Hàng loạt bình luận cũng chỉ trích người đẹp quá sính ngoại khi so sánh Việt Nam với nhiều nước khác trên thế giới bởi hệ tư tưởng, quan điểm, điều kiện kinh tế, xã hội còn quá khác nhau.
Hơn hết, mối quan hệ người yêu, vợ chồng không đơn thuần là lo cho đủ tiền sinh sống, lo cung cấp tiền để chi tiêu mà quan trọng là nắm tay nhau xây dựng cuộc sống gia đình. Đó mới là điều bền chặt, lâu dài.
Nhiều ý kiến cũng nhắc nhở người đẹp khi giữ danh hiệu Á hậu, được biết đến là giảng viên đại học cần chú ý tới suy nghĩ, quan niệm và lời nói để không truyền tải những tư tưởng xấu tới người trẻ.
Lê Phương Thảo từng thi nhiều sân chơi nhan sắc, làm người mẫu, giảng viên trước khi thành Á hậu 1 Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022. Tại cuộc thi đó, cô cũng nhận danh hiệu phụ Người đẹp Truyền thông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, phía Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết từ đầu năm 2022, Lê Phương Thảo đã không còn cộng tác giảng dạy tại trường.