Thư viện khuyến học Cây Tùng

(Dân trí) - Từ nhiều đêm trăn trở mong muốn đóng góp một phần cho quê hương, Đại tá về hưu Nguyễn Huy Thục đã giúp bà con xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An mở ra “Thư viện khuyến học Cây Tùng” - thư viện dành cho những người con quê hương hiếu học.

Sinh ra lớn lên trên mảnh đất xã Hưng Tân, năm lên 17 (1945) ông Thục (thường gọi là Nguyễn Thanh Tùng) đã tham gia hoạt động Cách mạng. Từ năm 1946 đến 1968, ông đi hầu hết các mặt trận từ Bắc Kạn đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Giải phóng Thủ đô và đi vào Quảng Trị khói lửa, rồi về Thừa Thiên - Huế chiến đấu.

 

Năm 1970, về làm việc tại Viện khoa học quân sự Bộ quốc phòng; bốn năm sau, “đầu quân” cho Quân khu 4, bước sang năm 1976 ông trở thành một chuyên gia quân sự chuyên huấn luyện quân cho nước bạn Lào.

 

Năm 1990, về hưu sống tại Hà Nội, trong chuyến về Hưng Tân tôi được gặp ông Tùng từ  Hà Nội về thăm em út, thăm bà con làng xóm, được nghe ông kể chuyện lính, ông bảo rằng: Quan điểm sinh ra lớn lên cống hiến cho đất nước, sống và chiến đấu bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Tôi nay tuổi đã cao (80 tuổi) sức yếu, nghĩ đi nghĩ lại mình làm việc thiện cho quê hương tức là mình đã thực hiện trọn vẹn ý nguyện.

 

Với ông sống là làm, cống hiến một cái gì đó nơi mình chôn nhau cắt rốn khi nhắm mắt xuôi tay thì mới an lòng và “Thư viện khuyến học Cây Tùng” đã “ra lò” trong bối cảnh ấy.  

 

Ngót nghét 30 trôi đi, nhưng năm nào vào dịp lễ tết ông đều về thăm quê. Tiếng gọi da diết của quê hương khiến ông nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đó cho xứ Nghệ đất cằn sỏi đá. Ông tâm sự: “Giờ mình sống tuổi già không đến nỗi khó khăn, phải có chút trách nhiệm gì đó với quê hương chứ”. Từ những trăn trở ấy, năm 2000 “Thư viện khuyến học Cây Tùng” ra đời.

 

Ông đã mời con cháu anh em từ nội chí ngoại ngồi lại bàn kế hoạch phải thành lập một nguồn quỹ riêng để làm một chút việc thiện giúp nơi chôn nhau cắt rốn. Quỹ của gia đình ông được đặt tên: “Quỹ văn hoá nghĩa tình thiện tâm”. Năm 2001, ông đã bỏ ra trên 20 triệu đồng giúp cho quỹ khuyến học xã, đóng góp làm đường liên xóm, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ…

 

Ở cái tuổi “gần đất xa trời” ông đã xây dựng được Trung tâm văn hoá đồng quê mang tên “Thư viện khuyến học Cây Tùng” được trích từ “quỹ văn hoá nghĩa tình thiện tâm” với tổng chi phí gần 300 triệu đồng.

 

Hiện thư viện có trên 700 đầu sách các loại với trên 5.000 cuốn sách các loại; có nhiều tờ báo hay phục vụ cho 400 bạn đọc. Nhờ đọc những tờ báo ít ỏi tại thư viện này, đến nay trong xã Hưng Tân và các xã lân cận đã đã có 20 em biết viết báo và có nhiều bài được đăng.

 

Thư viện khuyến học Cây Tùng không chỉ phục vụ cho con em trong xã mà còn cho các xã lân cận. Thư viện cũng không chỉ dành riêng cho các em mà còn có một phòng riêng dành cho các cụ đọc sách, chơi tổ tôm, chia sẻ đời tư… Ngoài ra ông Tùng trang bị 5 bộ máy vi tính để phục vụ việc giảng dạy và nâng cao tin học cho các em. Bên cạnh đó, ông còn trao giải thưởng: “Giải thưởng bông sen vàng” trong 3 việc: Học giỏi; Bạn đọc thư viện chăm chỉ; Viết báo.

 

Từ ngày thư viện này ra đời đến nay đã được ông Lê Thanh Tình - Phó Vụ trưởng vụ thư viện Trung ương về thăm. Nhiều tỉnh bạn, bạn đọc gần xa cũng như những người con xa quê đã ủng hộ sách, báo, tạp chí các loại… cho thư viện thêm phần phong phú

 

Nhiều người cho rằng: mở được thư viện đã khó nhưng nuôi được nó càng khó hơn. Với ông điều đó thật đơn giản. “Tôi lấy tấm lòng mình để nuôi thư viện và thắp sáng cho con em vùng quê lúa này”.

 

Nguyễn Duy