Thủ tướng quyết định Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học

Mai Châm

(Dân trí) - Thủ tướng đã có quyết định về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo quyết định này, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Thủ tướng quyết định Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học - 1

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: T.T)

Như vậy, đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan. 

Thủ tướng yêu cầu quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng GD-ĐT quyết định thành lập Hội đồng đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc chuyển đổi thành Đại học.

Tới năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành một đại học tự chủ toàn diện, có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, khẳng định vị thế trong và ngoài nước.

Ngày 15/10/2021, nhân dịp kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố quyết định thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử.

Cụ thể, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh); Trường Điện - Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng).

Theo lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội, có 4 mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường trực thuộc, đó là: Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng  300-400 của thế giới theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (mức xếp hạng năm 2021 là 401-450);

Ngoài ra, các trường Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử tiếp tục là các đơn vị mũi nhọn, các tổ chức sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, tiếp tục giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (CGCN) số một Việt Nam, hàng đầu khu vực, và có uy tín trên trường quốc tế trong các lĩnh vực tương ứng.

Cùng đó, mỗi trường Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử tiếp tục phát huy và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và ươm tạo công nghệ để hình thành các doanh nghiệp spin-off/start-up có tầm ảnh hưởng, thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ và quỹ đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Phân biệt "trường đại học" và "đại học":

Theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm