Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Nhắm tới đào tạo thế hệ người lao động linh hoạt”

(Dân trí) - Xoay quanh chủ đề dịch chuyển sinh viên Việt Nam và quốc tế, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định, rất khó dự báo chính xác nhu cầu thị trường lao động ở các ngành nghề, do đó chúng ta nhắm tới đào tạo những người lao động linh hoạt để thích nghi với các nền kinh tế khác nhau.

Còn mất cân bằng trong dịch chuyển sinh viên

PV: Quốc tế hóa, dịch chuyển sinh viên là một chiến lược quan trọng đối bất kỳ nền giáo dục hiện đại nào. Xin Thứ trưởng cho biết tình hình dịch chuyển sinh viên giữa Việt Nam và quốc tế hiện nay?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài là 130.000 sinh viên nhưng số lượng sinh viên nước ngoài học ở Việt Nam chỉ có khoảng 20.000 thôi. Như vậy là có sự mất cân bằng giữa sự dịch chuyển giữa sinh viên nước ta ra học nước ngoài và ngược lại.

Vì vậy, phía chúng ta hiện nay đang có nhiều nỗ lực cố gắng để thu hút sinh viên các nước đến học tập ở Việt Nam, đặc biệt là từ khu vực ASEAN.

Nhiều trường đại học Việt Nam có các khóa học bằng tiếng Anh cũng như hợp tác với các trường đại học nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo (hơn 400 chương trình). Nhiều đại học quốc tế đã được thành lập tại Việt Nam như Đại học Việt Đức, Đại học Việt Pháp, Đại học Việt Nhật hay Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh…


Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo chí bên lề diễn đàn thoại chính sách lần thứ ba trong chuỗi đối thoại chính sách thuộc dự án SHARE ngày 8/6.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo chí bên lề diễn đàn thoại chính sách lần thứ ba trong chuỗi đối thoại chính sách thuộc dự án SHARE ngày 8/6.

Sắp trình Thủ tướng phê duyệt khung trình độ quốc gia

Công cụ cần thiết và căn bản nhất để tăng cường khả năng dịch chuyển của sinh viên trong khu vực ASEAN nói riêng và với quốc tế nói chung là gì, thưa Thứ trưởng?

Công nhận bằng cấp, tín chỉ và khung trình độ quốc gia là những việc căn bản nhất cần thiết lập để tạo nền tảng dịch chuyển sinh viên.

Dựa vào khung trình độ quốc gia mà chúng ta sẽ ban hành, khung trình độ quốc gia ấy dự trên tham chiếu khung trình độ ASEAN. Có nghĩa là tất cả các yếu tố như trình độ, kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm cá nhân đối với công việc… của các nước ASEAN đều có khung đánh giá như nhau.

Khi khung trình độ được tất cả các nước công nhận chung thì chúng ta tiến tới công nhận văn bằng và tín chỉ cho nhau. Như vậy có thể tiến hành trao đối sinh viên và người lao động trong khối dễ dàng.

Vậy khung trình độ quốc gia Việt Nam bao lâu nữa mới hoàn thành?

Hiện nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo cuối cùng để chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt khung trình độ quốc gia đó. Khung trình độ đó một mặt tương thích với khung trình độ ASEAN, một mặt tương thích với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, chúng ta có sự hài hòa giữa khung trình độ quốc gia ấy với cơ cấu hệ thống giáo dục thế giới làm sao cho giáo dục, đào tạo của nước ta hội nhập nhanh.

Linh hoạt để thích nghi và không thất nghiệp

Khi sự dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và ASEAN cũng như với EU được tiến hành mạnh mẽ, nhiều ý kiến lo ngại rằng, lao động Việt Nam có thể “thua” ngay trên sân nhà. Quan điểm của Thứ trưởng thế nào?

Điều này, Bộ GD-ĐT đã thấy từ rất lâu và có sự chuẩn bị. Chúng ta đã đưa việc dạy tiếng Anh vào tất cả trình độ của hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2010. Đây là điều kiện để hội nhập quốc tế đặc biệt là với các quốc gia ASEAN. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với chuẩn đào tạo ở nước ngoài.

Mặc dù khung trình độ chưa được công bố nhưng Bộ từ lâu đã ban hành thông tư về chuẩn kiến thức đại học dựa vào khung tham chiếu của ASEAN. Đảm bảo chuẩn đầu ra của Việt Nam phù hợp thước đo trình độ khu vực, sao cho lao động của chúng ta được thừa nhận trong khu vực.

Năm nay, số lượng đăng kí thi ĐH – CĐ ít hơn hẳn so với các năm trước đây. Mặt khác, có tình trạng số lượng sinh viên đang học ĐH – CĐ bỏ học giữa chừng tăng lên. Thứ trưởng đánh giá thế nào về những hiện trạng đó?

Điều đó là tốt thôi, lựa chọn của các em thể hiện sự phân công lực lượng lao động, các em tùy sức mình để chọn con đường học nghề hoặc học ĐH - CĐ phù hợp với bản thân và có thể thích nghi với công việc trong tương lai.

Việt Nam mới bắt đầu tham gia dịch chuyển sinh viên trong khối ASEAN dưới sự hỗ trợ của dự án SHARE, Thứ trưởng có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đứng trước “ngưỡng cửa cuộc đời”?

Sinh viên chúng ta đào tạo ra hiện nay không chỉ nhắm thị trường trong nước mà bây giờ đã mở rộng thị trường ASEAN rồi. Năm nay là năm đầu tiên chúng ta có sự dịch chuyển lao động với các nước trong khối ASEAN nên có lẽ các em còn bỡ ngỡ nhưng rồi các em cũng sẽ thích nghi với môi trường đấy, phải năng nổ, phải tự mình đi tìm việc làm.

Mà cái căn bản nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ, trong thời gian các em chưa đi làm hoặc chưa tìm được việc phải tăng cường học ngoại ngữ, để tự tin tìm kiếm việc làm.

- Thưa Thứ trưởng, sắp tới chúng ta định hướng cơ cấu hệ thống giáo dục, đào tạo ngành nghề thế nào để đảm bảo rằng các sinh viên ra trường có thể tìm kiếm việc làm?

Rất khó để dự báo thị trường, nhu cầu lao động ở các ngành nghề khác nhau vì chúng ta là nước đang phát triển cho nên nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều thứ như đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân...

Chúng ta cũng rất khó để biết được năm sau bao nhiêu doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta vì kinh tế phát triển rất nhanh nên khó dự báo. Tuy nhiên. các ngành mà thế giới nói chung đang cần thì Việt Nam cũng cần nắm bắt. Và chúng ta cũng đã mở những ngành như vậy để khi có đầu tư nước ngoài có doanh nghiệp mới hình thành thì sinh viên Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện nay đều đang nhắm tới đào tạo thế hệ người lao động linh hoạt; đào tạo kiến thức rất căn bản kèm công nghệ và ngoại ngữ để trên cơ sở đó sinh viên và người lao động thích nghi với sự biến đổi ngành (yêu cầu trong mỗi ngành nghề hiện nay biến đổi rất nhanh) cũng như thích nghi với các nền kinh tế khác nhau trong bối cảnh chuyển dịch sinh viên, lao động quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Lệ Thu