Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói với tân sinh viên về "chìa khóa phát triển"
(Dân trí) - "Sinh viên cần sẵn sàng đón nhận và làm chủ các tiến bộ khoa học công nghệ. Sự đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa giúp các em phát triển".
Đó là một trong những điều Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhắn nhủ đến tân sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 diễn ra ngày 12/10.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, sinh viên cần không ngừng trau dồi đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh và giữ vững lòng yêu nước; có trách nhiệm với cộng đồng và nuôi dưỡng khát vọng cống hiến bằng những hành động thiết thực. Những khó khăn phía trước chính là thử thách để các em trưởng thành và khẳng định bản thân.
Sinh viên cần tích cực học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc, và ngoại ngữ. Đồng thời trang bị cho mình tinh thần luôn sẵn sàng đón nhận và làm chủ các tiến bộ khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Sự đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa giúp các em phát triển.
"Chủ động hội nhập quốc tế, cạnh tranh lành mạnh với bạn bè năm châu và nâng cao khả năng thích ứng trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Tư duy phản biện, thói quen tự học và tìm tòi kiến thức mới sẽ giúp các em trở nên linh hoạt, tự tin đối mặt với mọi thách thức", ông Nguyễn Văn Phúc bày tỏ.
Ngoài lời nhắn gửi đến tân sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nêu 5 yêu cầu, nhiệm vụ mà Trường Đại học Luật TPHCM cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, trường cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu mới. Kinh nghiệm cho thấy, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo phụ thuộc lớn vào cơ cấu tổ chức, trình độ đội ngũ và mô hình hoạt động, đặc biệt là mô hình tài chính, tổ chức và cơ chế quản trị nội bộ.
Thứ hai, trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo gắn với mở rộng quy mô đào tạo và ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với năng lực của nhà trường, theo xu hướng hội nhập.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế và trong nước có chất lượng, cần tiếp tục đề xuất, tham gia vào các đề tài hoặc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để nghiên cứu các vấn đề pháp luật của đất nước và tư vấn chính sách, khẳng định vị thế khoa học của một trường đại học uy tín, chất lượng về pháp luật khu vực phía Nam và cả nước.
Thứ tư, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thực hiện các cách tiếp cận giáo dục tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sớm hoàn thiện xây dựng cơ sở đào tạo mới của trường ở TP Thủ Đức đưa vào sử dụng.
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết năm học 2024-2025, Trường Đại học Luật TPHCM đón hơn 2.500 tân sinh viên nhập học.
Theo thống kê, trong năm học đã có 13 bài viết của giảng viên nhà trường được công bố trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Web of Sciences/ Scopus và 19 bài viết được công bố trên tạp chí quốc tế khác. Trong đó, các công bố quốc tế của tạp chí trên Web of Sciences/ Scopus thuộc ngành luật chiếm 77% và công bố quốc tế thuộc ngành Kinh tế chiếm 23%.
Đối với các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, giảng viên của trường đã công bố trên 250 bài viết.
Tại chương trình, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải cũng cho biết TPHCM đang xây dựng, thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đồ án này được xây dựng nhằm triển khai công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trên địa bàn TPHCM, giúp các trường xây dựng chiến lược phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng theo yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phó chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ mong muốn Trường Đại học Luật TPHCM phấn đấu từng bước trở thành trường đại học đào tạo luật có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Đồng thời, trường sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ hơn nữa cho TPHCM trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về lĩnh vực pháp luật; tham gia trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn, đề xuất cho thành phố các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế xã hội.