Thu tiền học sinh... xây sân tennis

Tại Đắk Lắk có những trường thu tiền để lắp camera, mua máy photocopy… và để xây sân tennis cho thầy cô tập thể dục nữa!

Mặc dù từ đầu năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các trường học trong cả nước, nhưng nhiều trường học ở Đắk Lắk vẫn ngoảnh mặt làm ngơ và buộc học sinh đóng góp tự nguyện đủ thứ tiền.

  

Lắp camera trong lớp học

 

Núp bóng hình thức thu tự nguyện, Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột) đã cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thu những khoản trái quy định như: Lắp đặt hệ thống camera, đồng phục thể dục, đồng phục áo ấm, mua máy photocopy đề kiểm tra trong năm học, kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS... Camera được trường lắp đặt ngay cửa ra vào lớp để giám sát mọi hoạt động của HS và giáo viên.

 

Theo báo cáo về tình hình thu nộp các khoản tiền đầu năm của Trường THPT Hồng Đức, đến nay, trường đã vận động CMHS khối 11, 12 ủng hộ được 23 triệu đồng và khối 10 được 67 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, trường sẽ tiếp tục vận động thêm 70 triệu đồng nữa để lắp camera đủ 30 phòng học và phòng giáo viên, 4 phòng giám hiệu và bảo vệ. Theo quy định, những khoản đóng góp này dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng trường lại đề ra mức ủng hộ phải trên dưới 100.000 đồng/HS.

 
Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột).
Trường THPT Hồng Đức (TP Buôn Ma Thuột).
 
Trong khi đó, trường còn thu theo “thỏa thuận” với CMHS những khoản tiền vượt quy định như: Bảo hiểm thân thể 100.000 đồng/HS/năm, quỹ hội CMHS 170.000 đồng/HS/năm, tiền mua máy photocopy đóng góp 50.000 - 70.000 đồng/HS… “Trường bảo tự nguyện đóng góp, nhưng họ đã đề ra mức thu như thế thì có phụ huynh nào dám không nộp. Con cái mình học ở đó, không nộp thì chúng sẽ chịu thiệt thòi” - chị N.T.T.H. (một phụ huynh) bức xúc.

 

Tại buổi làm việc với trường ngày 9/10, ông Đỗ Quang Tuyên (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Lắk) đã yêu cầu: “Đối với khoản thu tự nguyện để đầu tư mua sắm các thiết bị trong nhà trường như: lắp đặt hệ thống camera, mua máy photocopy… là quá tốn kém, không cần thiết, vì vậy, nhà trường cần có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
 

Riêng khoản thu phí hoạt động của Ban đại diện CMHS 170.000 đồng/HS phải trả lại phụ huynh HS, còn quyết định thu bao nhiêu thì ban đại diện CMHS cần bàn bạc lại với CMHS và nhà trường để xem xét lại khoản thu này cho hợp lý. Tránh tình trạng Ban đại diện CMHS thu hộ nhà trường các khoản về đầu tư cơ sở vật chất”.

 

Xây sân tennis cho... thầy cô chơi

 

Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar), vào năm học 2009 - 2010, bắt HS đóng tiền để xây sân tennis cho các thầy cô tập luyện thể dục.

 

Cô Phạm Thị Thơ (Thủ quỹ Ban đại diện CMHS của trường) cho biết: “Giữa năm học 2009 - 2010, trường cho HS nghỉ hai ngày học và bảo HS phải tìm cách kiếm tiền để nộp 60.000 đồng cho trường xây sân tennis. Khi nghe con tôi bảo đem tiền nộp cho trường, tôi hơi bất ngờ vì khoản đóng góp này chưa được thông qua CMHS. Nhưng tôi buộc phải đưa tiền cho con đóng vì sợ không đóng thì các thầy cô gây khó dễ cho con mình. Bước sang năm học 2011 - 2012, khi có đơn thư phản ánh việc này thì trường đã lên danh sách bắt HS ký đã nhận đủ tiền, nhưng chỉ trả lại cho HS 30.000 đồng. Số tiền còn lại trường bảo đã nộp vào quỹ Đoàn trường nhưng không có chứng từ gì cả, nên không biết số tiền đã đi về đâu”.

 

Không những thế, trong 3 năm học trở lại đây trường đã thu nhiều khoản bất hợp lý. Theo phản ánh của Ban đại diện CMHS, trong năm học 2011 - 2012, trường đã thu tiền trồng cỏ sân trường tổng cộng hơn 46 triệu đồng, tiền cắt cỏ hơn 24 triệu đồng, tiền ôn thi tốt nghiệp hơn 264 triệu đồng, tiền thi thử đại học 30 triệu đồng, quỹ hội CMHS, quỹ vệ sinh và quỹ photocopy hơn 274 triệu đồng… Tổng các khoản thu CMHS phải đóng góp trong năm học lên tới hơn 1,3 tỷ đồng.

 

Nhà trường thu rất nhiều tiền của CMHS và chi không đúng mục đích. “Sân trường toàn xi măng nhưng không hiểu sao lại thu tiền trồng cỏ, thu tiền mua cây lưu niệm nhưng chẳng thấy cây đâu và thu tiền ôn thi tốt nghiệp nhưng HS chỉ được học vài ba buổi rồi cho nghỉ. Trường còn bắt mỗi HS phải học 3 giáo viên khác nhau cho một môn học, gồm giáo viên bộ môn, giáo viên dạy dễ hiểu và giáo viên do trường chỉ định. Chỉ có giáo viên bộ môn không phải đóng tiền, còn hai giáo viên kia HS phải đóng nhiều tiền” - cô Phạm Thị Thơ phản ánh.

 

Ngoài ra, Trường THPT Cư M’gar còn bắt ban đại diện chi những khoản bất hợp lý như: Tiền phục vụ hội đồng coi thi tốt nghiệp, tiền xây dựng trường, tiền thi thử đại học, tiền photocopy…

 

Không riêng gì hai trường nói trên, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng bị phụ huynh tố lạm thu. Bà Trần Thị Trung Ngôn (ở xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar) tố cáo hiệu trưởng và trưởng ban đại diện CMHS đã thu trái quy định gần 1 tỷ đồng.

 

Còn tại trường THPT Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột), đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều khoản thu vượt quy định như: Tiền nước uống tinh khiết phục vụ HS, đồ dùng vệ sinh lớp học 90.000 đồng/HS/năm, tiền phụ phí HS như mua xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước tẩy, công dọn vệ sinh… với tổng số tiền 108.000 đồng/HS/năm, tiền giữ xe máy 162.000 đồng/HS/năm, xe đạp 90.000đồng/HS/năm…

 

Ông Trương Thức (Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk) cho biết: “Sở đã nhận được những phản ánh về vấn đề thu chi, xây dựng sai quy định ở Trường THPT Hồng Đức và Trường THPT Cư M’gar. Trong tuần này, đoàn thanh tra của sở sẽ về kiểm tra tại hai trường học này và sẽ xử lý nghiêm nếu các trường vi phạm quy định của ngành”.
 

Ông Trương Thức (Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk) cũng cho rằng: “Lắp camera trong lớp học để theo dõi HS, giáo viên là không nên và việc này trái với các quy định của ngành giáo dục. Ngay từ đầu năm, sở đã quán triệt việc lạm thu ở trường học bằng nhiều cuộc họp và văn bản. Nhưng không hiểu sao trường vẫn huy động kinh phí từ CMHS để lắp đặt camera mà không báo cáo với Sở”.

 

Theo Công Hoan

SGGP