Thủ khoa 9,5 điểm Sử, 10 điểm Địa chia sẻ bí quyết làm bài thi

(Dân trí) - Với tổng số 26,5 điểm, trong đó, môn Sử đạt 9,5 điểm, môn Địa đạt 10 điểm tròn, Lương Thùy Vy - cô học trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đỗ thủ khoa Đại học Luật TPHCM. Trước đó, Thùy Vy đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng.

Tân thủ khoa ĐH học Luật TPHCM Lương Thùy Vy cũng chính là cô bạn học giỏi đều các môn đã đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Đà Nẵng với 57 điểm (Sinh: 10; Hóa: 10; Toán: 10; Ngoại ngữ: 10, Văn: 8,5; Địa: 8,5).

Thủ khoa 9,5 điểm Lịch Sử chia sẻ bí quyết làm bài thi
Lương Thùy Vy, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Đà Nẵng, vừa trở thành tân thủ khoa ĐH Luật TPHCM.

Chia sẻ với PV Dân trí, Thùy Vy cho biết em hoàn toàn bất ngờ khi đón tin mình thi đỗ thủ khoa ĐH Luật TPHCM từ một thầy giáo trong Ban Đào tạo của trường. Bởi theo Vy thì: “Em chỉ gắng làm bài thi hết mình và làm bài khá tốt, nhưng các bạn thi cùng em khi thi xong cũng rất vui vẻ vì làm bài được. Em còn đang lo rứa mà…, nên nghe tin em rất bất ngờ”.

Trong 4 thủ khoa cùng đạt tổng điểm 26,5 của ĐH Luật TPHCM năm nay, chỉ có Vy là thi khối C. Em đạt điểm các môn cụ thể Văn: 7 điểm - Sử: 9,5 điểm - Địa: 10 điểm. Vy bất ngờ, nhưng có thể không quá bất ngờ với các thầy cô, bạn bè ở trường THPT Lê Quý Đôn khi hay tin cô bạn thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp, lập “cú đúp” thủ khoa khi đỗ đầu vào Trường ĐH Luật TPHCM.

Nói về bí quyết học các môn thi đại học khối C, cô bạn lớp chuyên Sử tự tin khi chia sẻ bí quyết về môn học này. Vy nói về phương pháp học của mình: “Trước tiên, em luôn đọc hết các bài trong sách giáo khoa để nắm kiến thức khái quát. Sau đó, em mới học hiểu chi tiết từng chương, bài. Lịch sử, giống như dòng chảy của thời gian, từ chương này sang chương khác luôn có sự liên kết với nhau. Một bí quyết nhỏ khi học môn Sử, cũng như các môn học khác của em là vừa học vừa viết những ý chính của bài học ra giấy để khắc sâu kiến thức”.

Học chuyên Sử, từng đoạt giải Nhì và giải Ba môn Sử trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học lớp 11 và 12, theo Thùy Vy, để bài thi được trọn vẹn thì khi làm bài không chỉ trình bài kiến thức, mà phải viết thành bài luận hoàn chỉnh có mở, có kết, có câu dẫn dắt chuyển tiếp để liên kết các ý trong sự kiện, vấn đề mà câu hỏi đề thi đưa ra”.

Thùy Vi chia sẻ bí quyết học và làm bài thi môn Sử:


Đáng nể Thùy Vy là cô học trò lớp chuyên Sử lại đạt điểm 10 tuyệt đối với bài thi đại học môn Địa lý. Vy không theo phương pháp học thuộc lòng, học vẹt, bởi theo em, “với kiểu học này, rất dễ quên một ý là quên sạch cả bài”.

Với môn Địa, Vy cũng học theo phương pháp học hiểu nắm kiến thức tổng quát, sau đó mới phân ra từng phần địa lý tự nhiên, xã hội… Khi học môn Địa, cô bạn lập “cú đúp” thủ khoa tốt nghiệp THPT và thủ khoa đại học nhận ra: “Các bài học trong môn học này cũng có mói liên kết logic với nhau. Nên khi học bài này, em thường liên hệ với kiến thức của bài kia để xâu chuỗi kiến thức và nhớ lâu. Thêm nữa là phải luyện kỹ năng đọc hiểu đề thi yêu cầu thí sinh vẽ biểu đồ, phần này quan trọng vì thường chiếm tới 3 điểm trong đề thi. Khi vẽ biểu đồ phải chú ý chú thích rõ từng chi tiết để không bị mất điểm nhỏ”.

Thùy Vy chia sẻ bí quyết học môn Địa lý, môn thi Vy đạt 10 điểm tròn:


Hầu như không đi học thêm mà vẫn học giỏi đều các môn, thi tốt nghiệp THPT, Vy là thí sinh đạt tổng điểm cao nhất ở Đà Nẵng, nhưng Vy cho biết: “Em không phải học ngày, cày đêm miệt mài; mà quan trọng với em là có thời khóa biểu hợp lý. Trong suốt giờ học phải tập trung cao độ, để học có hiệu quả nhất.

Với ưu thế sở hữu các giải thưởng môn Sử cấp quốc Gia, Vy có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, để chỉ cần thi đạt điểm sàn là Vy có thể được xét tuyển thẳng vào ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh; nhưng cô bạn đã không nộp đơn xét tuyển. Vy nói lên suy nghĩ của mình rằng em sợ nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và có ưu thế, em sẽ chủ quan, nên em không nộp để đi thi với nổ lực hết mình. Trước đây, vì đã từng chủ quan mà có lúc em đã không đạt được thành tích mà lẽ ra em có thể đạt được. Em xem đó như bài học để luôn nhắc mình khi học hay làm gì cũng phải cố hết sức, để kết quả có như thế nào mình cũng có thể thoải mái mà không hề nuối tiếc rằng mình đã cố hết sức rồi”.

Khánh Hiền