Thu hồi bằng Tiến sĩ của phó Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa giao cho Vụ Giáo dục Đại học tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế, Phó viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân với lý do "đạo văn".
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của vị giảng viên này.
Ngày 4/10, Bộ GD-ĐT đã có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Theo nội dung tố cáo, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tác giả luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 với đề tài "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam" đã "đạo văn" tới 30% dung lượng luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 của TS. Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng với đề tài "Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường". Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế học đã thành lập Hội đồng xác minh luận án để đánh giá mức độ sao chép và đề xuất việc xử lý.
Hội đồng chấm luận án khẳng định luận án của ông Hoàng Xuân Quế sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế. Các sao chép trong nội dung luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp vì các nội dung sao chép không có chú dẫn nguồn trích và việc sao chép không đúng quy định. Mức độ sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%).
Được biết, ông Hoàng Xuân Quế đã có các bản giải trình về nội dung tố cáo và đã cung cấp tài liệu minh chứng kèm theo. Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế khẳng định, luận án tiến sĩ của ông không sao chép nội dung luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế. Ông Quế nghi ngờ bản luận án tiến sĩ mang tên ông hiện đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia không phải là luận án của ông bảo vệ chính thức tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước vào ngày 26/10/2003 vì bản luận án này không có chữ ký của ông tại phần “Lời cam đoan”. Ông Quế nghi ngờ cuốn luận án mang tên ông trên Thư viện Quốc gia là bản đã bị đánh tráo hoặc là bản nộp nhầm do ông đã nhờ người cháu đi nộp hộ. Vì vậy, ông Hoàng Xuân Quế cho là bản luận án mang tên ông hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia không có tính pháp lý và không thể dùng bản luận án này làm cơ sở xác định các nội dung sao chép với luận án của ông Mai Thanh Quế.
Sau khi kiểm tra, xem xét tài liệu, biên bản làm việc của A83 với các thành viên Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước… và kết quả giám định kỹ thuật của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT kết luận báo cáo giải trình của ông Hoàng Xuân Quế là không có cơ sở, không đúng quy định và không có đồng nhất. Việc ông Quế “xin lại” luận án ở một số thành viên Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước có dấu hiệu không khách quan.
Bộ GD-ĐT giao cho Vụ Giáo dục Đại học tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế; Giao cho Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân xem xét, xử lý vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế theo quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Xuân Quế: Luận án của tôi bị nộp nhầm hoặc đánh tráo?
Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Hoàng Xuân Quế cho biết: “Tôi đã giải trình cũng như nộp các minh chứng cho tổ công tác của Bộ. Luận án của tôi được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ của Bộ GD-ĐT. Tất cả hồ sơ vẫn còn đấy, các nhà khoa học trong hội đồng, các nhà khoa học liên quan đến luận án của tôi cũng như tập thể giáo viên hướng dẫn vẫn còn đấy và cũng đã có văn bản xác nhận và khẳng định luận án của tôi không có sao chép luận án của Mai Thanh Quế”.
Ông Hoàng Xuân Quế cho rằng: Căn cứ để Bộ GD-ĐT ra kết luận là bản luận án không có chữ ký cam đoan của tôi và không có bất kỳ dấu tích nào của tôi. Bản luận án lưu tại Thư viện Quốc gia còn không có 3 tài liệu quan trọng mà tôi đã nộp kèm theo quyển luận án: Quyết định thành lập hội đồng, các bản nhận xét phản biện, Quyết nghị của hội đồng mà khi nhận luận án, họ đã viết giấy biên nhận đầy đủ. Giấy biên nhận này vẫn còn lưu tại Bộ GD-ĐT. Luận án của nghiên cứu sinh (NCS) bảo vệ, được chấm và được công bố kết quả công khai ngay tại hội đồng. Sau đó, NCS phải chỉnh sửa lại luận án nếu hội đồng yêu cầu và NCS phải mang luận án cùng các tài liệu kèm theo đi nộp (có thể nhờ người nộp hộ hoặc nộp qua đường bưu điện). Vì thế, khả năng các NCS nộp nhầm quyển luận án là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hơn nữa, thư viện quốc gia là nơi lưu giữ luận án để phục vụ cho người đọc chứ không phải nơi lưu giữ hồ sơ gốc của NCS. Vì thế, luận án hoàn toàn có thể bị đánh tráo nếu ai đó có ý đồ xấu.
Ông Quế cho biết, ngày 3/10, ông đã gửi Văn bản đề nghị khẩn cấp lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc phản đối chính thức bằng văn bản của tôi về dự thảo kết luận. Trong văn bản này, ông cũng nhắc lại đề nghị tiếp tục xác minh để tìm ra sự thật. Tuy nhiên, ngày 4/10/2013, Bộ đã ký kết luận và thông báo ngay lên website của Bộ GD-ĐT.
Ông Hoàng Xuân Quế khẳng định: “Sự việc liên quan đến luận án tiến sỹ không chỉ là danh dự của tôi, mà còn là danh dự và uy tín của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, của Bộ GD-ĐT. Tôi sẽ bảo vệ đến cùng danh dự đó”.
Hồng Hạnh