THPT Trần Đại Nghĩa xét tuyển lớp 6: Phụ huynh lo con rớt, không có cơ hội
(Dân trí) - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chuyển sang xét tuyển đầu vào lớp 6 làm nhiều gia đình hụt hẫng, nhất là những nhà đã "đầu tư" cho con luyện thi nhiều năm trước.
Không thi... có thể mất cơ hội
Lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chuyển qua xét tuyển thay vì khảo sát là cú sốc với rất nhiều phụ huynh và cả học sinh. Đầu tư luyện thi bao năm chờ ngày "hái quả ngọt" nhưng ngay sau thông báo xét tuyển, nhiều em đã... rớt ngay khỏi trường.
Sau bản tin TPHCM sẽ xét tuyển đầu vào lớp 6 THPT chuyên Trần Đại nghĩa, chị Đậu Ngọc M., nhà ở Phú Nhuận không khỏi suy sụp.
Con trai chị được định hướng vào THPT chuyên Trần Đại nghĩa từ khi mới vào tiểu học, nối tiếp chị gái đã học tại đây. Từ năm học lớp 2, gia đình đăng ký cho con ôn tại một trung tâm có tiếng chuyên luyện vào trường Trần Đại Nghĩa.
Quá trình ôn luyện, qua nhiều đợt thi thử, con chị đều nằm ở nhóm đầu, nên rất háo hức để cạnh tranh, tự tin nắm chắc một suất vào trường.
"Giờ đột ngột chuyển qua xét tuyển lấy điểm từ năm lớp 3, cháu có hai điểm 9, chắc chắn cháu rớt. Quá thiệt thòi cho con và nhiều cháu khác có năng lực thật sự và đổ công sức ôn thi", người mẹ thở dài.
Mong muốn con có thể vào chuyên Trần Đại Nghĩa - ngôi trường duy nhất ở TPHCM, có thời điểm duy nhất cả nước được thực hiện khảo sát đầu vào lớp 6 - nhiều gia đình đã đầu tư cho con ôn luyện các năm trước.
Dù thành phố cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng các trung tâm luyện thi vào Trần Đại Nghĩa vẫn hoạt động quanh năm, thu hút lượng học sinh lớn. Ngoài ra, nhiều gia đình còn thuê giáo viên kèm con tại nhà.
Cùng tâm trạng chới với khi đã đầu tư cho con ôn luyện bao lâu, con có điểm từ năm lớp 3 toàn 10, nhưng anh Lê Văn Minh, ở Quận 4 phán đoán con không có cơ hội vào trường theo phương thức xét tuyển.
Xét theo điểm con đạt 10 tuyệt đối nhưng anh Minh nói, cháu nào đăng ký vào trường hầu hết cũng toàn 10, chắc chắn phải xét thêm các tiêu chí về ngoại ngữ, tin học. Trong khi, con anh không có các chứng chỉ này nên mất khả năng cạnh tranh.
Cần đặt lợi ích chung
Không ít phụ huynh cho rằng nên chờ để tổ chức khảo sát khi dịch bệnh được kiểm soát, tránh thiệt thòi cho học sinh cũng như để tìm được các em có năng lực vào trường.
Anh Phan Đức Trọng, nhà ở Thủ Đức nêu quan điểm, học sinh, phụ huynh đăng ký đều sẵn sàng cho việc thi tuyển. Việc tổ chức khảo sát vào Trần Đại Nghĩa chỉ cần chưa đến một tuần đã cho kết quả, số học sinh cũng không quá đông.
"Thành phố có thể hoãn đến gần ngày khai giảng tổ chức thi để đảm bảo quyền lợi cho các em. Việc này sẽ chọn được học sinh theo tiêu chí của trường lâu nay", anh Trọng nói.
Quá chới với khi lo con có thể "rớt" nếu xét tuyển, chị Đậu Ngọc M. mong muốn nếu không thi trực tiếp thì trường có thể tổ chức thi online và có cách để giám sát sự trung thực.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến phản đối thi tuyển trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Các kỳ thi quan trọng khác tại TPHCM như tốt nghiệp THPT, thi lớp 10 cũng đã hủy thi, chuyển qua đặc cách hoặc xét tuyển.
Chị Phan Thị Thảo, ở Bình Thạnh cho biết, con chị đăng ký vào trường, luyện thi nhiều năm qua. Xét tuyển cháu rớt chắc vì có một điểm 9 nhưng đây phương án cần thiết, hợp lý trong thời điểm hiện tại.
"Nếu tổ chức thi lúc này, tôi cũng sẽ không cho con tham dự", người mẹ khẳng định.
Theo chị, phụ huynh ai cũng muốn tốt cho con mình nhưng đây là lúc phải đặt lợi ích chung cả xã hội lên trước mong muốn cá nhân. An toàn của xã hội cũng chính là an toàn của mình, của gia đình.
Cô Trần Thanh Phương, một giáo viên tiểu học ở TPHCM bày tỏ, có thể xét tuyển sẽ không chọn được những học sinh theo tiêu chí lâu nay của trường đưa ra, nhiều học sinh có năng lực có thể thiệt thòi. Vậy nhưng, trường vẫn có thể chọn được những học sinh có năng lực theo cách khác.
"Phụ huynh cần nhìn thẳng đây là kỳ khảo sát khốc liệt, các em đều phải là học sinh giỏi, ôn luyện kỹ lưỡng. Phụ huynh tin con mình sẽ đỗ nhưng chưa chắc, tỷ lệ trung bình chỉ 1/10 em đỗ" - cô Phương chia sẻ.
Xét điểm từ lớp 3 đến lớp 5
Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ xét tuyển dựa vào tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các lớp 3, 4, 5 của hai môn Văn - Toán.
Nếu có nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì xét thêm các tiêu chí tiếp theo: Chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn Cambridge, TOEFL, PTE Pearson hoặc tương đương khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam; Chứng chỉ tin học quốc tế IC3 SPARK, ICDL DIGITAL EXPLORER; Các giải do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
Nữ giáo viên nhấn mạnh, một số học sinh có thể "không may" nếu xét tuyển, nhưng các em có khả năng, học THCS ở những ngôi trường khác cũng sẽ phát huy được năng lực của mình.
Hàng năm, trên 4.000 em là học sinh giỏi ở TPHCM đăng ký khảo sát vào lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, với chỉ tiêu khoảng 500 em. Tỷ lệ chọi vào trường dao động 1 "chọi" 8 hoặc 10 tùy năm. Mỗi năm, hàng ngàn học sinh giỏi rớt khỏi kỳ khảo sát này.
Đi đến phương án xét tuyển với ngôi trường duy nhất được chọn đầu vào lớp 6, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ngành đã cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện thực tế, đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận.
Dù mong muốn vào ngôi trường này, song phụ huynh cần tránh gây áp lực cho trẻ. Nếu không trúng tuyển, học sinh vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định của Ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện.