Thông tin mới nhất về phương án thi THPT quốc gia 2016

(Dân trí) - Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. So với năm trước, dự thảo này có một số điều chỉnh để khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi và xét tuyển.

Dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về kì thi THPT quốc gia

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, kì thi THPT quốc gia (THPTQG) năm 2016 tiếp tục tổ chức thi 8 môn trong 4 ngày như năm 2015; thi vào các ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7/2016.

Năm 2016 dự kiến sẽ có một số điều chỉnh ở kì thi THPT quốc gia
Năm 2016 dự kiến sẽ có một số điều chỉnh ở kì thi THPT quốc gia

 

Bộ GD-ĐT cho biết, trong quá trình tổ chức các hội nghị để xin ý kiến đóng góp của các trường ĐH, CĐ; các Sở GD-ĐT… thì có ý kiến băn khoăn về nhiệt độ đầu tháng 7. Tuy nhiên, số liệu thống kê về nhiệt độ trong 4 ngày (từ 1/7 đến 4/7) của 4 năm gần đây, cho thấy: Các ngày 1, 2, 3 và 4/7/2015 có nhiệt độ đột biến, cao nhất so với các năm còn lại và tháng 7 năm 2015 là tháng nóng nhất trong suốt 200 năm qua. Mặt khác, trong các năm trước đây, đợt 1 của kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm đều tổ chức vào các ngày 03, 04 và 05 tháng 7; trong Kì thi THPTQG, các trường ĐH tham gia tổ chức ở cả cụm thi liên tỉnh (chủ trì) và cụm thi tỉnh (phối hợp). Đầu tháng 7, các trường ĐH, CĐ đã kết thúc năm học nên sẽ thuận lợi cho việc điều động cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia Kì thi; việc bố trí giảng đường, ký túc xá phục vụ thí sinh và người nhà lưu trú trong những ngày thi cũng thuận lợi hơn. Tổ chức thi THPTQG vào đầu tháng 7 cũng sẽ giúp cho các trường ĐH, các sở GDĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học, tạo thuận lợi cho tổ chức thi.

Cũng có ý kiến cho rằng, thời gian thi 4 ngày của năm 2015 đã dẫn đến tình trạng có nơi ít thí sinh nhưng vẫn phải tổ chức thi 3-4 ngày, có thí sinh phải chờ 1 đến 2 ngày để thi tiếp, gây lãng phí không cần thiết. Do đó, đề nghị năm 2016, xem xét để tổ chức thi trong 3 ngày bằng cách thi ghép các cặp môn có ít thí sinh dự thi trùng môn với nhau trong một buổi thi (cặp môn Lịch sử và Sinh học thi cùng giờ; cặp môn Địa lí và Hóa học thi cùng giờ).

Phương án này tuy rút ngắn được 1 ngày so với năm 2015 đảm bảo tổ chức thi gọn nhẹ, giảm tốn kém nhưng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một số ít thí sinh vì không thể chọn đồng thời các môn cùng cặp (năm 2015 số thí sinh chọn cặp môn Hóa học và Lịch sử chiếm 0,4%; chọn cặp môn Sinh học và Địa lí chiếm 2%).

Về việc tổ chức thi thì Bộ GD-ĐT dự kiến tiếp tục mô hình cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với các điều chỉnh: cho thí sinh ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi được lựa chọn cụm thi theo đề nghị của sở GD-ĐT; căn cứ điều kiện thực tế để xem xét điều chỉnh luân phiên trường ĐH chủ trì cụm thi liên tỉnh.

Trước việc băn khoăn do có cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh nên tạo tâm lý băn khoăn về tính công bằng giữa các cụm thi. Chính vì thế có ý kiến cho rằng chỉ tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức ở mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cho tất cả các thí sinh.

Bộ GD-ĐT cho hay, nếu tổ chức như vậy, sẽ phải huy động số lượng rất lớn cán bộ, giảng viên ĐH di chuyển về tỉnh, thậm chí di chuyển về tới các điểm thi ở huyện, làm tăng chi phí tổ chức thi. Mặt khác, các phòng thi chỉ có thí sinh cùng địa phương nên có thể dẫn đến băn khoăn, lo ngại về tính khách quan của kì thi. Hơn nữa, việc tổ chức thi tại tỉnh do các trường ĐH chủ trì đã được thực hiện vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập.

Các trường ĐH, CĐ tự chủ trong tuyển sinh

Theo nguồn tin của Dân trí, dự kiến năm 2016, các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng, công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế hiện hành và tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh.

Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPTQG để xét tuyển thì Bộ GD-ĐT cung cấp kết quả thi THPTQG cho các trường; quy định thời gian bắt đầu và kết thúc kì tuyển sinh.

Các trường tự xây dựng và công bố công khai phương án xét tuyển: tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển; số lượng ngành, nhóm ngành thí sinh có thể đăng ký trong trường; ngưỡng đăng ký xét tuyển (ĐKXT)...; Công bố phương thức nhận ĐKXT: nhận ĐKXT qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc tại trường phổ thông do Sở GDĐT quy định; các trường có thể quy định thêm các phương thức nhận ĐKXT khác, đảm bảo thuận lợi, không gây bức xúc cho thí sinh và xã hội; công khai kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường; báo cáo kết quả tuyển sinh về Bộ GDĐT sau khi kết thúc tuyển sinh.

Thí sinh ĐKXT bằng cách nộp Phiếu ĐKXT theo phương thức ĐKXT do trường quy định; thí sinh có thể ĐKXT vào nhiều trường nhưng không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT; thí sinh nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi theo quy định của trường nhập học.

Thực hiện phương án này, các trường sẽ hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh, có thể đưa ra quy định phù hợp với đặc thù xét tuyển của trường mình, có thể chủ động liên kết với nhau thành từng nhóm để xét tuyển chung; quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh được đảm bảo, hướng tới các trường hoàn toàn tự chủ trong tuyển sinh theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học; thí sinh có thể ĐKXT một ngành ở nhiều trường khác nhau.

Hiện tại Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo và sớm công bố để xin ý kiến đóng góp của xã hội.

“Một số vấn đề vẫn đang phải bàn bạc để thống nhất như quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm trúng tuyển giữa các đợt xét tuyển,…” - nguồn tin riêng của Dân trí cho biết.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )