Thiếu trầm trọng nhân lực ngành công nghệ hạt nhân

(Dân trí) - PGS.TS. Hà Huy Bằng, Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngành Công nghệ hạt nhân là ngành trọng điểm, tiềm năng trong tương lai nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 5 trường ĐH đào tạo chuyên ngành này”.

Đó là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt.

Mỗi khóa đào tạo, các trường chỉ tuyển khoảng 30 - 40 chỉ tiêu. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này chủ yếu ở lại trường làm giảng viên và tham gia nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngoài ra, một số sinh viên thì làm ở bệnh viện K và bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS Hà Huy Bằng. cho biết: “Cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng vài trăm cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) của tỉnh Ninh Thuận, dự kiến vận hành vào năm 2020.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF)..., nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ ĐH, CĐ. Ở nước ta, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu bảo dưỡng nhà máy an toàn cần 1.200 người có trình độ đại học. Như vậy, nhân lực cho 2 nhà máy điện là chừng 2.400 người. Khâu chuẩn bị nhân lực này phải đi trước từ 10 - 15 năm.

Với tốc độ đào tạo hiện nay của các trường mỗi năm có được hơn 100 kỹ sư ra trường như vậy, trong tương lai ngành này thiếu nguồn nhân lực trầm trọng - ông Bằng cho hay.
 
Được biết, điểm chuẩn của các ngành này hàng năm dao động 17 điểm.

Hồng Hạnh