Thiêng liêng hai tiếng “Thầy ơi”
(Dân trí) - Khi sang xứ người giảng dạy, khi không còn nhận được nhiều tiếng “Thầy ơi” ấm áp đó, cũng như nhiều ánh mắt yêu mến từ học trò ngoài giờ học, tôi mới nhận ra rằng học trò ở quê nhà sao mà “dễ thương” quá…
Hôm nay là một ngày lễ ở Úc, nhưng tôi vẫn thích đến trường làm việc hơn là ở nhà. Bởi lẽ hình ảnh của ngôi trường mang đến cho tôi nhiều động lực để soạn slide bài mới hay để viết nghiên cứu. Đây là một thói quen tôi từng có từ những năm tháng làm giảng viên ở Việt Nam.
Những lúc mắt hơi nhòe đi khi nhìn vào màn hình máy tính, tôi hay nhìn xuống khoảng sân của khuôn viên trường, nhìn từng dòng sinh viên đi lại. Cũng như tôi cũng hay nhìn những dòng sinh viên xa xa khi ngồi ở sân trường khi giảng dạy ở Việt Nam, và tự hỏi, mình đã hết lòng chưa vì những sinh viên ấy, những người đã tặng cho mình hai tiếng “Người Thầy”.
Sáng nay khi đang bách bộ vào trường, sân trường vắng tanh, bất chợt có tiếng gọi, chợt quay lại và tôi nhận ra một cô sinh viên Trung Quốc đã học lớp tôi ở học kỳ trước. Học trò vẫn nhớ tôi. Bất chợt tôi nhớ hai từ “Thầy ơi” mà tôi thường nghe ngày nào. Tôi mong sao học thật nhanh những điều mới mẻ nơi xứ người từ giảng dạy đến nghiên cứu, để nhanh trở về với hai tiếng thiêng liêng đó ở quê nhà.
Khi sang xứ người giảng dạy, khi không còn nhận được nhiều tiếng “Thầy ơi” ấm áp đó, cũng như nhiều ánh mắt yêu mến từ học trò ngoài giờ học, tôi mới nhận ra rằng học trò ở quê nhà sao mà “dễ thương” quá. Vậy mà chúng tôi, những người thầy, lại không biết nâng niu điều đó, luôn làm cho học trò “lạc lõng” trong việc học vì sự hà khắc, sự xa cách, nâng tầm quan trọng của một tiến sĩ hay một giáo sư, không mang lại ý nghĩa cho sinh viên từ mỗi phút giảng trên giảng đường hay trong lớp học.
Ở xứ Úc này, sinh viên không trọng bạn vì bạn là giáo sư hay tiến sĩ, mà họ chỉ đến lớp và ngồi nghe bạn giảng vì mỗi điều bạn nói hay hoạt động bạn tạo ra trong lớp học phải thật sự có ý nghĩa cho con đường phía trước của họ hay phải thật sự làm cho họ say mê và thậm chí “bật cười”. Sau mỗi giờ giảng phải làm việc hết mình để làm cho sinh viên Úc và sinh viên quốc tế thật sự hài lòng, tôi đều cảm nhận được một khoảng lặng trong lòng. Hình như ở Việt Nam, những người thầy chúng ta còn có nhiều điều có lỗi với học trò. Học trò Việt Nam thật sự thiệt thòi nhiều quá… mà cái thiệt thòi lớn nhất là cái tấm lòng chưa đầy ắp từ người thầy.
Tôi chỉ dám nói là “chưa đầy ắp”, bởi chúng ta cần đong đầy hơn tấm lòng của chúng ta đối với các em. Tôi biết (vì tôi cũng là một giảng viên bận túi bụi vì giờ giảng và công trình nghiên cứu) chúng tôi không bận đến nỗi không thể dành cho sinh viên một chút thời gian để chỉnh sửa một mô hình nghiên cứu, để xem giúp một bản câu hỏi điều tra, hay chia sẻ một giải pháp quản trị với sinh viên cao học gặp vấn đề trong doanh nghiệp của họ. Nhưng chúng ta vẫn muốn làm khó học trò. Họ phải đến rồi phải lặng lẽ ra về vì thầy rất bận dù đã có hẹn với thầy. Chúng ta thích làm khó học trò khi họ trình luận văn luận án để chứng tỏ mình là một ông thầy uyên bác trong khi chúng ta thừa biết học trò đã mắc lỗi mà vẫn đưa họ vào “đường cùng” bằng câu hỏi của mình.
Điều đó có mang lại cho người thầy hạnh phúc không? Hay hạnh phúc sẽ đến với chúng ta nếu chúng ta thay cái câu hỏi bắt bí đó bằng cách giúp học trò nhận ra lỗi và bằng sự uyên bác của mình vạch cho học trò một con đường để sửa lỗi đó. Học trò ngày nay “thông minh” lắm. Họ chỉ thấy sự uyên bác ở người thầy khi họ cảm nhận được tấm lòng của người thầy trong những lời nhận xét dành cho tác phẩm khoa học của họ. Tôi ước mơ rằng mọi buổi trình luận án sẽ là những phút giây đẹp nhất trong ký ức người học, họ nhìn ra lỗi sai từ những ánh mắt yêu thương từ thầy cô, họ được chắp cánh để đi xa hơn nữa …
Tôi tin rằng sự yêu thương luôn được đền đáp. Và điều đó đặc biệt rõ nét trong nghề giáo. Tôi đã từng được học trò bênh vực khi ai đó nói không đúng về tôi. Và tôi tin rằng không có phụ huynh nào nỡ ra tay với thầy cô giáo của con mình nếu thầy cô là hình ảnh đẹp trong lòng con trẻ. Trẻ con thậm chí sẽ bênh thầy cô nếu cha mẹ nói điều không phải về thầy cô.
Làm tròn trách nhiệm công việc chưa hẳn là đã đầy ắp tấm lòng. Mà lòng yêu thương là hành vi ngoài vai trò, vượt trên cả trách nhiệm công việc. Muốn được nghe hai tiếng “Thầy ơi” chúng ta phải làm hơn trách nhiệm truyền tri thức. Chúng ta phải là hình mẫu trong lòng người học. Hình mẫu của sự yêu thương, để có thể tạo nên một thế hệ sau cũng đầy yêu thương.
Cho tôi chân thành xin lỗi những học trò của tôi, nếu có lúc nào đó, lời nói hay hành động của tôi đã thiếu sự yêu thương dành cho các bạn…
Chân Tâm
(Viết từ Úc ngày 24/4/2018)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!