Thi vào 10 ở Hà Nội: 90 phút không khó nếu xây dựng chiến thuật tốt
(Dân trí) - Trước điều chỉnh của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội về thời gian thi và làm bài, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn toán đã "mách nước" cho học sinh phương pháp để vượt qua "vũ môn" một cách hiệu quả.
Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định lùi lịch thi, giảm một nửa thời gian làm bài so với trước đó, nhiều phụ huynh và các em học sinh không tránh khỏi lo lắng.
Để làm bài thi được tốt hơn, các bạn học sinh cần chuẩn bị một tinh thần thật tốt để ôn luyện, trang bị những bí kíp cần có để sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng này.
Ở trong phòng thi, thời gian luôn là yếu tố quan trọng, quyết định điểm số khi mà thời gian thi năm nay đang bị rút ngắn. Nhiều bạn vẫn chưa biết phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý sẽ mang đến cho các thí sinh một "áp lực vô hình". Vì thế, mang đồng hồ khi đi thi là một bí kíp nhỏ nhưng sẽ giúp ích cho các sĩ tử rất nhiều.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán ở Hà Nội chia sẻ "mẹo nhỏ" để phân bổ thời gian thi hợp lý: "Các em phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, độ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/ 1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: Đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lý,…". Các bạn học sinh cần tận dụng hết thời gian để "chiến đấu", không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ làm bài.
Theo thầy Tùng, có một chiến thuật thời gian tốt nhưng sau khi làm bài xong các bạn học sinh hãy xem lại bài làm của mình một lượt. Mỗi em nên rà soát lại các môn theo các nội dung chính để tìm ra phần mình còn yếu, còn thiếu để "lấp chỗ trống". Các em cũng không nên sa đà vào các dạng toán quá khó, mất thì giờ và tạo căng thẳng không cần thiết. Nếu vẫn còn các khó khăn, các em có thể trao đổi thêm với bạn bè, thầy cô giáo hoặc tham khảo thêm trên internet.
Thêm một bí quyết được nhiều bạn học sinh áp dụng là "dễ làm khó bỏ". Tức là dựa vào số điểm của mỗi câu để lên được thứ tự làm bài, phân bổ thời gian phù hợp cho từng câu trong đề. Học sinh cần tránh tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác.
Hơn nữa, việc nắm vững lịch thi, quy chế thi cũng là một "bí kíp bỏ túi" mà mỗi bạn học sinh cần có trước khi bước vào "cuộc chiến đấu" sắp tới.
Để có một kỳ thi thành công sẽ cần có một sức khỏe tốt nhất. Vì thế các bạn không nên ôn thi quá sức. Hãy ăn uống đầy đủ, bổ sung đủ chất trong bữa ăn và ngủ nghỉ đúng giờ. Đó cũng là một bí kíp giúp bạn có một tinh thần thật tốt để bước vào kỳ thi lớn.
Sẵn sàng cho kỳ thi rút ngắn
Học sinh Nguyễn Phương Linh, trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết em đã có cách để "tóm gọn" đề thi môn toán trong khoảng thời gian ngắn.
"Theo em nghĩ, với thời gian làm bài còn 90 phút thì chắc chắn hệ thống kiến thức sẽ chỉ tập trung vào những phần cơ bản và nổi bật nhất. Vậy nên, mấy ngày hôm nay em thường ghi chú cụ thể những phần cảm thấy dễ vào nhất, và ôn luyện theo từng chủ đề, đặc biệt nhấn mạnh vào những phần nội dung chính.
Một phần cũng vì đến hiện nay, em đã ôn được tạm đủ kiến thức để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào 10, đặc biệt là với môn toán. Vậy nên, dù đề thi 90 phút hay 120 phút thì em cảm thấy cũng sẵn sàng phát huy thật tốt hết khả năng của mình", Linh tự tin chia sẻ.
Tương tự, học sinh Tuấn Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng cảm thấy bản thân đã có thể thích nghi với thời gian 90 phút làm bài.
Tuấn Anh tâm sự: "Lực học của em chỉ ở mức trung bình khá, nên mấy ngày nay em đang tập trung vào phần mình còn chưa thạo để kịp thời bổ sung kiến thức. Đặc biệt, em luôn ưu tiên làm thành thạo những câu dễ đến mức khá trước, không quá mơ mộng đến các câu có mức độ quá khó. Điều này giúp em giảm bớt căng thẳng và có cơ hội nắm chắc phần điểm em có thể làm được, mà không bị nhầm lẫn hay sai sót gì."