Thí sinh thức xuyên đêm đoán đề Văn, mơ gặp "Mị của A Phủ"
(Dân trí) - Đêm 6/7, trước ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh thức xuyên đêm đoán đề thi Ngữ văn. Có thí sinh còn mơ thấy đề rõ mồn một...
Bất chấp những lời khuyên cần nghỉ ngơi, thả lòng trước ngày thi, đêm 6/7, "cơn bão" đoán đề văn tiếp tục bùng nổ nối tiếp những ngày những trước đó.
Trên một diễn đàn lớn nhất của học sinh TPHCM, ngay trong đêm, có hàng chục trạng thái của các thí sinh về dự đoán đề thi. Tiếp đó là hàng trăm, hàng ngàn bình luận của các thí sinh khác cũng tập trung quanh chủ đề đoán đề thi Ngữ văn.
Minh Ngọc, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM cho biết, em đã soạn tất cả đồ dùng cần thiết cho buổi thi ngày mai, tắt đèn đi ngủ từ 9 giờ tối nhưng trằn trọc không ngủ được. Bật dậy, Ngọc thấy bạn bè mình đang thức tham gia "đêm hội đoán đề", xôn xao khắp nơi.
Ngọc bày tỏ mong mỏi đề thi năm nay sẽ đưa mình đến gặp "Mị của A Phủ" vì cô rất thích tác phẩm này, ôn bài rất kỹ, nếu trúng cô "ăn chắc" điểm. Tuy nhiên, khi cô nữ sinh chia sẻ mong muốn của mình thì lập tức hàng hoạt bạn bè vào phản bác, cho rằng phải là "Ông lái đò mãi đỉnh" hoặc "Việt Bắc không xa"... Cứ vậy, đến hơn 1 giờ sáng Ngọc mới tắt máy đi ngủ.
Thí sinh Nguyễn Đức Anh ở quận Bình Tân, TPHCM cho biết, trong tuần rồi hai tối liền mình mơ đi trên "Chiếc thuyền ngoài xa", trong khi cậu còn tuyên bố với gia đình, ra tác phẩm nào con cũng đỗ, trừ... "Chiếc thuyền". Sợ thiêng, nên đến sát ngày, Đức phải ôn bù, lỡ có trúng thì còn có chữ mà ghi.
"Thật sự em hồi hộp, những ngày gần đây không thể nào ngủ được. Đêm nay sợ là thức trắng", Đức Anh cho biết và tiết lộ mình đặt đến 4 đồng hồ báo thức, nhờ bố mẹ gọi dậy...
Một giáo viên dạy Văn tại TPHCM chia sẻ, đến hẹn lại lên, năm nào sát ngày thi cũng diễn ra "đại hội đoán đề văn". Điều này làm tâm trạng của nhiều thí sinh càng thêm nôn nao, lo lắng, thậm chí các em bị mất ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.
"Chưa kể, mọi năm sau khi thi, đề trúng một những hàng loạt tác phẩm đồn đoán nhiều thí sinh lại xôn xao lộ đề này kia làm học sinh hoang mang. Trong khi, đề chỉ ra trong chương trình học, chỉ từng đó tác phẩm, kiểu nào cũng có những em đoán trúng".
Thầy Đặng Ngọc Ngận, giáo viên văn Trường THPT Phạm Phú Thứ, TPHCM bày tỏ: "Mấy nay lướt facebook, thầy thấy mấy bạn học trò đoán đề quá trời quá đất, mong mọi người đừng đoán già đoán non làm gì (mất công tủ đè), học cả năm rồi, ôn bài hết rồi, có bí kíp hết rồi, nay nghỉ ngơi thư giãn đi nha nha..."
Là thủ khoa toàn quốc khối C năm 2020 với số điểm 29,25, chàng sinh viên năm hai ĐH KHXH&NV TPHCM Nguyễn Hữu Hưng, chia sẻ 2 yếu tố quan trọng khi vào phòng thi làm bài môn văn là đọc kỹ đề và phân bổ thời gian hợp lý.
Trước khi đặt bút làm bài, Hưng khuyên thí sinh đọc hết đề có thể nằm ở nhiều trang giấy để tránh việc sót. Với thời gian làm bài 120 phút, Hưng thường phân bổ thời gian theo tỷ lệ: "25 - 25 - 70", trong đó, 25 phút đầu dành cho câu đọc hiểu, 25 phút tiếp theo dành cho câu nghị luận xã hội và 70 phút cuối để làm câu nghị luận văn học.
Chàng thủ khoa cũng lưu ý: "Khi làm bài, thí sinh đừng chờ viết hết giấy thi rồi mới xin tiếp tờ giấy tiếp theo, mà hãy xin khi viết còn vài dòng của trang. Khi nhận tờ giấy thi khác, hãy tiếp tục làm bài thay vì dừng lại đừng điền vào phần thông tin. Như vậy, thí sinh vừa không bị mất thời gian chờ đợi vừa không bị mất mạch văn".
Sáng nay 7/7, gần 1 triệu thí sinh trên cả nước tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 bước vào môn thi đầu tiên là môn văn với thời gian làm bài 120 phút, đây là môn thi theo hình thức tự luận duy nhất của kỳ thi.