1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thí sinh thom thóp lo được... đặc cách

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước đề xuất của TPHCM về việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT 2021 cho thí sinh thi đợt 2, nhiều em lo lắng sẽ gặp khó khăn trong việc xét tuyển vào đại học.

Được đặc cách, lo "không có cửa vào đại học"

Để tránh phải tổ chức kỳ thi giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, giữa lúc thành phố đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, TPHCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT  năm nay cho trên  3.200 thí sinh dự kiến thi đợt 2. 

Theo ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT, các trường hợp thi đợt 2 có thể xem xét theo điều kiện có việc đột xuất đặc biệt để xem xét đặc cách.

Thí sinh thom thóp lo được... đặc cách - 1

TPHCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho trên 3.200 thí sinh 

Hiện tại, chưa có quyết định cuối cùng về kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 tại TPHCM, tuy nhiên, trước đề xuất này, nhiều thí sinh trong diện đề xuất "đặc cách" không khỏi lo lắng. Các em lo việc xét tuyển đại học sẽ gặp khó khăn, thiệt thòi. 

Nằm trong danh sách thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở TPHCM, thí sinh M.T cho biết, em không ủng hộ việc "nhất định phải thi" trong điều kiện hiện tại. Vậy nhưng, bản thân rất băn khoăn việc được "đặc cách" sẽ ít cơ hội xét tuyển vào đại học. 

M.T có nguyện vọng vào trường mong muốn theo phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp. Nếu không thi, mong ước, dự  định của em và của nhiều thí sinh không thực hiện được. 

Về phương thức xét tuyển học bạ, em T. cho rằng, nhiều thí sinh như mình sẽ gặp bất lợi vì vốn "cậy hết vào thi". Chưa kể, việc xét tuyển theo học bạ hầu hết được các trường thực hiện từ sớm, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn, kết thúc việc xét tuyển. 

"Tôi cũng không đồng ý với việc tổ chức thi vào lúc này. Nhưng nếu không có điểm tốt nghiệp, con tôi hay các cháu "qua cửa" theo diện đặc cách sẽ gặp thiệt thòi trong việc xét vào đại học", một phụ huynh có con nằm trong danh sách thi tốt nghiệp đợt 2 ở TPHCM trần tình.  

Người mẹ lo lắng việc được "đặc cách" sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các con.

Trường Đại học cần "nới cửa"

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 1 có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH theo phương thức này, bên cạnh các phương tác xét tuyển riêng khác. 

Việc công nhận xét tốt nghiệp cho thí sinh còn lại đồng nghĩa với việc các em mất cơ hội rất lớn để xét tuyển đại học theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

Vậy nhưng, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đề xuất không tổ chức thi  tốt nghiệp THPT đợt 2 tại TPHCM là cần thiết. 

Thí sinh thom thóp lo được... đặc cách - 2

Nếu xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh đợt 2, cần các trường ĐH bổ sung, điều chỉnh linh hoạt phương thức xét tuyển

Để giúp các em yên tâm trong việc xét tuyển ĐH, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể các trường ĐH phải có những phương án tuyển sinh riêng phù hợp, phổ biến thông tin để tạo điều kiện cho thí sinh được đặc cách thi yên tâm trong việc xét tuyển vào ĐH. 

"Nếu phương án này được thông qua, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM sẽ dành chỉ tiêu xét tuyển ĐH bằng phương thức xét tuyển học bạ cho những em học sinh không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT", TS Nguyễn Quốc Anh khẳng định. 

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết, lựa chọn nào cũng có hai mặt. Tổ chức thi lúc này sẽ không an toàn, còn không thi những học sinh giỏi muốn xét tuyển vào trường ĐH yêu thích, nhưng trường chỉ dựa vào phương thức xét từ kết quả thi tốt nghiệp thì các em sẽ thiệt thòi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, địa phương đề xuất xét tốt nghiệp đặc cách là hợp lý.

Theo TS Trần Đình Lý, việc này được chia thành 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Với mục tiêu xét tốt nghiệp gần như sẽ đồng tình tuyệt đối, mục tiêu quan trọng hơn nhiều là xét tuyển vào ĐH. 

Với những rủi ro rất cao trước tình hình dịch bệnh, giải pháp khả thi nhất là ở các trường ĐH. Các trường, nhất là các trường top trên cần trách nhiệm chia sẻ với các em. Các trường nên bổ sung phương thức xét tuyển và dành một tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý cho thí sinh.

Có ý kiến lo lắng điểm học chưa phản ánh chính xác, nhưng lúc này, theo TS Trần Đình Lý, điểm học bạ 5-6 học kỳ cũng đánh giá được cả quá trình. Không có gì tuyệt đối 100% trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử thi và xét tuyển này nên mọi việc cần được nhìn theo hướng tích cực. 

Để bảo quyền lợi tuyển sinh ĐH-CĐ cho các thí sinh được xét đặc cách trong đợt 2, Sở GD-ĐT TPHCM cũng trình UBND TP đề xuất với Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH, các trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác (ngoài căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp) để xét tuyển đối với các thí sinh được xét đặc cách trong đợt thi 2.