Thí sinh sợ khó, sợ "chân lấm tay bùn" nên ít vào học ngành Nông lâm, KHTN

Đình Cường

(Dân trí) - Nông lâm ngư nghiệp và thủy sản, Khoa học tự nhiên là một trong 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất năm 2020. Vậy nguyên nhân ở các trường hay do thí sinh?

Mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết, có 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất năm 2020 gồm: Khoa học tự nhiên (41,43%), Nông lâm ngư nghiệp và thủy sản (43,91%), Dịch vụ xã hội (49,98%), Khoa học sự sống (54,43%), Môi trường và bảo vệ môi trường (65,28%).

Đây là những nhóm ngành học mũi nhọn, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực cao ở lĩnh vực này nhưng lại khó tuyển sinh. 

Thí sinh sợ khó, sợ chân lấm tay bùn nên ít vào học ngành Nông lâm, KHTN - 1

Lo học ngành tự nhiên thu nhập không cao

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, phương thức tuyển sinh có nhiều thay đổi nên thí sinh có nhiều sự lựa chọn.

Do thay đổi xu hướng của các ngành nghề nên ở một số lĩnh vực/ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước, cuộc sống nhưng tỷ lệ nhập học thấp.

 Đa số thí sinh mong muốn chọn những ngành "hot" mà chương trình học không quá nặng, cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn so với mặt bằng.

 Một số lĩnh vực như Khoa học trái đất, Tài nguyên và môi trường, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Thủy lợi, Xây dựng... không hấp dẫn thí sinh vì học khó, thu nhập không cao, môi trường làm việc có thể không thuận lợi (làm việc/đi công tác ngoài thành phố).

Năm 2020, trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển đủ theo chỉ tiêu nhưng phân bố không đều ở các ngành và lĩnh vực.

 Nhóm ngành có điểm chuẩn và tỷ lệ nhập học cao như Khoa học máy tính và thông tin, Hóa dược, Công nghệ sinh học; hay các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và một số ngành khác.

Ở nhóm các lĩnh vực Khoa học trái đất, Tài nguyên - môi trường tiếp tục có tỷ lệ nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu, mặc dù trường đã giảm chỉ tiêu các ngành này.

Theo ông Linh, từ nhiều năm qua, trường đã liên tục đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn trong công tác tuyển sinh các lĩnh vực này như tích cực quảng bá ngành nghề, cơ hội việc làm. Đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích sinh viên như học bổng, tăng cường thực hành, thực tập, kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng…

Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao vì đa số thí sinh và gia đình e ngại việc học khó, thu nhập không cao và môi trường làm việc không thuận lợi so với các lĩnh vực khác. Nhà trường vẫn sẽ tiếp tục những giải pháp nhằm thu hút thí sinh.

"Đây là các ngành quan trọng cho sự phát triển đất nước, không cần đào tạo số lượng lớn nhưng rất cần những sinh viên tốt nghiệp chất lượng tốt. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo vị trí việc làm và tăng thu nhập cho cán bộ công tác ở các lĩnh vực này tương tự với ngành quân đội, công an và sư phạm", PGS.TS Vũ Hoàng Linh nói.

Thí sinh sợ khó, sợ chân lấm tay bùn nên ít vào học ngành Nông lâm, KHTN - 2

 Lâm nghiệp - Đào tạo theo cơ chế đặt hàng

PGS.TS Phạm Minh Toại, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, năm 2020 có một số ngành gặp phải khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn tập trung mọi nguồn lực để xúc tiến tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi. Để đạt được mục tiêu này, nhà trường triển khai giải pháp đào tạo theo cơ chế đặt hàng.

Với cơ chế này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cơ quan chủ trì xác định nguồn nhân lực theo từng giai đoạn, thiết lập cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo có cùng ngành học.

Ông Toại cho hay, hiện nay, trường Đại học Lâm nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ xác định giá dịch vụ đào tạo cho ngành Lâm sinh, dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2022.

Đồng thời, nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo, xây dựng học kỳ doanh nghiệp và triển khai thực hành, thực tập cho sinh viên.

Triển khai việc trao đổi sinh viên giữa 3 phân hiệu của trường để các em tiếp cận được các vấn đề thực tế ở các vùng miền, được làm việc với đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao ở các phân hiệu từ đó hình thành tư duy tổng hợp, giải quyết vấn đề mang tính liên ngành.

"Nhà trường có chính sách thu hút thí sinh thông qua việc cấp học bổng và ký túc xá cho các bạn sinh viên học giỏi, xuất sắc nhưng điều kiện kinh tế khó khăn" - ông Toại thông tin

Thí sinh sợ "chân lấm tay bùn"

 Thống kê từ Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, năm 2020, trường tuyển 651 chỉ tiêu. Số lượng nhập học là 555 em, đạt tỷ lệ 85,25%.

Tuy nhiên có mất cân bằng giữa các ngành khác nhau của khối Nông Lâm Ngư. Một số ngành tuyển sinh tốt như: Chăn nuôi thú y, Kinh tế nông nghiệp, Bệnh học thủy sản, Bảo vệ thực vật, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan.

Theo lãnh đạo Học viện, các ngành khác tuyển sinh còn khó khăn do nguồn tuyển ít. Thí sinh không thích học ngành Nông Lâm Ngư với tâm lý sợ "Chân lấm tay bùn".

Thí sinh chưa thật sự hiểu về tầm quan trọng, nhu cầu nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực Nông Lâm Ngư.

Đại diện học viện nêu kiến nghị, Bộ GD&ĐT, các Sở, Phòng Giáo dục đào tạo, các trường THPT tăng cường quảng bá, tư vấn hướng nghiệp cho khối ngành Nông Lâm Ngư; đẩy mạnh đặt hàng đào tạo nguồn lực cho lĩnh vực Nông Lâm Ngư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm