Thí sinh Hà Nội bất ngờ với đề thi Văn

(Dân trí) - Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội, nhiều thí sinh bất ngờ với đề thi và than hơi dài.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Em Nguyễn Thu Thủy, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Em rất bất ngờ về đề thi. Em thấy hơi khó và dài. Phần I của đề hỏi về bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật với câu thơ: “Không có kính không phải vì xe không có kính; Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”, việc nhớ tên, nhớ năm sáng tác bài này không phải là khó. Tuy nhiên, câu hỏi mà chúng em khó đạt điểm cao là chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Em không hy vọng là mình được điểm cao với đề thi này" - Thủy chia sẻ.

Cùng nhận định đề thi khó và dài, học sinh Trần Quỳnh Trang tâm sự: “Em chỉ làm được khoảng 70%, câu 1 làm chưa hết thì đã phải làm câu 2. Nhìn chung em thấy đề thi khó và dài. Có thể do em chưa xác định được dụng ý trong việc thể hiện chủ đề của chuyện Lặng lẽ Sa Pa”.

Còn tại Hội đồng thi trường THPT Cầu Giấy, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng rất phấn khởi vì làm được bài thi. Học sinh Nguyễn Vũ Quang cho hay: “Em làm hết được hết bài. Đề thi không quá khó. Những dạng bài này chúng em đã được các thầy cô ôn khá kỹ. Hy vọng bài thi được 8 điểm”.

Nhận định về đề thi văn, một giáo viên dạy Văn cho biết: “Đề thi vừa sức, không có có câu hỏi đánh đố học sinh nhưng có câu phân loại”.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, chủ yếu là chương trình lớp 9 và sẽ có các câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn thí sinh. Kết quả thi sẽ được nhân hệ số 2 cộng với kết quả học lực và rèn luyện của thí sinh ở bốn năm THCS được quy ra điểm, điểm cộng ưu tiên, khuyến khích để xét tuyển.
 
 Chiều nay các thí sinh tiếp tục dự thi môn Toán với thời gian 120 phút.
 

Đề thi vào lớp 10, môn Ngữ Văn của Hà Nội năm 2012 như sau:

 

Phần I (7 điểm):
 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ thật độc đáo:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.

Và trên chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe đã:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái”

(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2011)

1. Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm tháng sáng tác của tác phẩm đó.
 
2. Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ?
 
3. Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế).
 
4. Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm (được xác định ở câu hỏi 1).
 
Phần II: (3 điểm)
 
1. Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn thành công của nhà văn Nguyễn Thành Long. Em hãy giới thiệu ngắn gọn (khoảng nửa trang giấy thi) về tác phẩm này.
 
2. Trong nhan đề Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã sắp xếp các từ khác với trật tự thông thường như thế nào? Các sắp xếp ấy có dụng ý gì trong việc thể hiện chủ đề truyện ngắn?
 

3. Ghi lại một dẫn chứng ở một bài thơ đã học (nếu rõ tên tác phẩm) để thấy rằng cách sắp xếp đó được nhiều tác giả sử dụng trong sáng tác của mình.

 
Hồng Hạnh