Hưng Yên

Thí điểm Giáo dục công nghệ: Cô trò vất vả, phụ huynh bức xúc

(Dân trí) - Trong năm đầu tiên thực hiện thí điểm giảng dạy Giáo dục công nghệ lớp 1, thành phố Hưng Yên lại cho triển khai ở tất cả các trường tiểu học ở địa bàn. Việc triển khai trên diện rộng đã gây khó khăn cho cả cô lẫn trò còn phụ huynh thì bức xúc.

Con học đuối, phụ huynh lo

Khi được đề cập đến Giáo dục công nghệ lớp 1, chị M.N có con đang học Trường tiểu học An Tảo (TP Hưng Yên) chia sẻ: “Chưa biết tính ưu việt của công nghệ như thế nào nhưng trước mắt thầy có nhiều bất cập như đọc được nhưng không nhận được mặt chữ, đánh vần chậm... Nhiều giáo viên lo lắng cho học sinh nên đã đề nghị gia đình cho phép kèm cặp ngoài giờ, thậm chí có phụ huynh còn phải cho con đi học thêm ở ngoài để... chạy theo công nghệ”

Minh chứng điều này chị M.N đưa sách và quyển vở viết chính tả của cậu con. Mới chỉ học được vài tuần mà con chị M.N đã phải viết bài chính tả dài đến tận 28 từ. Do yêu cầu thời lượng của mỗi tiết học có hạn nên để cho học sinh (HS) viết kịp trên lớp thì giáo viên (GV) đành phải “nhắc nhở” phụ huynh cho con luyện viết trước ở nhà.
Mới học vài tuần nhưng học sinh học giáo dục công nghệ đã phải viết những bài chính tả

Mới học vài tuần nhưng học sinh học giáo dục công nghệ đã phải viết những bài chính tả dài như thế này.

“Tôi thấy sách công nghệ có nhiều điểm chưa logic. Chẳng hạn như đang học chữ cái “c” thì lại nhảy đến “ch”. Một số từ khóa minh họa khó hiểu cho cả người lớn huống hồ là trẻ nhơ như “bẻ ghi”, “nò”...” - chị M.N bức xúc chia sẻ.

Anh Đ.V.B có con học ở Trường tiểu học Hoàng Lê cho biết thêm: “Theo chương trình cũ thì phụ huynh có thể dễ kèm cặp cho con. Đối với chương trình công nghệ thì cách phát âm và học vần khác so với truyền thống nên gây khó khăn cho phụ huynh”.

Trước những bất cập mà phụ huynh phản ánh, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hưng Yên) phân tích: “Giáo dục công nghệ là học từ âm rồi đến chữ không phải chữ rồi đến âm như trước kia. Nguyên tắc học là chân không về nghĩa, để trò cần biết âm nào ghép với âm nào tạo thành tiếng. Khi viết chính tả, một vài từ mới cần giải nghĩa. Ngoài hình ảnh minh họa, có có thể dùng hành động, từ trái nghĩa.. để giải thích cho HS”.

Cũng theo bà Vân, học theo Giáo dục công nghệ thì việc phân hóa HS khá giỏi sau mỗi bài viết rất rõ ràng. Các cô căn cứ vào bài viết, khả năng tiếp thu của HS để có kế hoạch kèm cặp các em. Em khá giỏi có thể viết dài nhưng em học yếu chỉ cần viết 1 dòng cũng được. Do cả phụ huynh, GV nóng lòng muốn học sinh đều phải khá giỏi nhanh nên mới yêu cầu viết nhiều như vậy.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai chương trình công nghệ thì nhiều trường tiểu học ở TP Hưng Yên không làm công tác tuyên truyền tư vấn cho phụ huynh. Chính vì thế, khi nảy sinh sự bất cập trong việc giảng dạy đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Nặng hơn so với chương trình hiện hành

Theo đánh giá của nhiều GV đang dạy chương trình công nghệ lớp 1 ở TP Hưng Yên thì cùng thời gian như trên, HS sau 8 tuần học chương trình sách giáo khoa hiện hành có thể thuộc hết bảng chữ cái và ghép vần thành âm, tiếng. Bên cạnh đó chương trình hiện hành cũng phù hợp với trẻ lớp 1 rèn được cả 4 kĩ năng nghe, đọc, nói, viết. Đối với Giáo dục công nghệ thì chỉ phù hợp với HS có nhận thực khá trở lên, việc rèn kĩ năng nói cho HS là không có. Phần viết và đọc nặng. Nội dung viết chính tả quy định 15-20 phút nhưng có bài dài 28 chữ nên hoạt động của cô và trò gặp nhiều khó khăn khi mà tiết học chỉ có giới hạn.

Cô Lương Thanh Hà, GV Trường tiểu học Liên Phương (TP Hưng Yên) bộc bạch: “Sắp xếp của sách công nghệ thì có bài ngắn, bài dài. Bài nào mà dài quá thì về phần đọc đối với HS trung bình và yếu là hơi khó khăn và vất vả. Các bài chính tả viết còn quá dài thì HS viết không được đẹp. Những bất cập này đã được chúng tôi bày tỏ với Bộ GD-ĐT trong cuộc tập huấn vào giữa tháng 10 vừa qua. Sau khi được giải thích thì hiện nay những khó khăn này đã được tháo gỡ”.

Cũng theo cô Hà, với Giáo dục công nghệ thì hoạt động cô và trò ở lớp vất vả hơn so với chương trình hiện hành. Tuy nhiên nó có những mặt tích cực của nó. Cụ thể, vào thời điểm này, HS học Giáo dục công nghệ có thể đọc được câu dài, viết được chính tả... còn với chương trình hiện hành thì các em chưa được tham gia hoạt động này.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, cô Đỗ Thị Kiên - Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Phương chia sẻ thêm: “Do năm đầu tiên nhà trường triển khai nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nó chuyển giao từ phương pháp giảng dạy hiện hành với chương trình công nghệ. Chính vì thế mới triển khai được 9 tuần học nên có nhiều mặt chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên điểm có thể nhận thấy là HS học công nghệ đọc chậm hơn so với cách dạy truyền thống”.

Mặc dù thừa nhận ưu điểm của Giáo dục công nghệ nhưng theo bà Hoàng Thị Dự - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP Hưng Yên đánh giá: “Muốn dạy tốt, GV cần có bước chuẩn bị dài mới tránh được khó khăn. Việc triển khai ngay trên diện rộng khiến các cô kêu khó, khổ là có cơ sở”.

“Ép” thí điểm?

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 28/10, bà Lê Thị Lưu - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên cho hay: “Việc thực hiện thí điểm dựa trên tinh thần đăng ký tự nguyện của các trường. Năm học 2013-2014, Phòng giáo dục Thành phố Hưng Yên đã đăng ký với Sở thực hiện thí điểm 12 trường tiểu học ở địa bàn”.

Bà Lưu cũng cho biết thêm, trước đây khi Hưng Yên còn là tỉnh Hải Hưng (nay tách ra thành Hải Dương, Hưng Yên ) chúng tôi đã dạy theo Giáo dục công nghệ và đánh giá là tốt bởi HS nắm rất chắc âm, luật, không tái mù. Mới một thời gian triển khai thí điểm ở TP Hưng Yên nhưng các huyện như Ân Thi, Văn Lâm, Khoái Châu cũng đã đăng ký để thí điểm vào năm sau.

Trong khi Sở GD-ĐT Hưng Yên khẳng định việc đăng ký thí điểm Giáo dục công nghệ là tự nguyện thì Phòng GD-ĐT TP Hưng Yên lại “phản bác” lại. Bà Hoàng Thị Dự cho biết: “Việc triển khai đồng loạt trên 12 trường tiểu học của thành phố là do Sở GD-ĐT có chỉ đạo làm. Chúng tôi thực hiện mà không lấy ý kiến các trường”.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Phương cũng khẳng định, việc thực hiện thí điểm là do chỉ đạo chung của thành phố chứ không phải xuất phát từ việc các trường tự nguyện tham gia.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm