Thêm trường đại học, cao đẳng dừng công nhận chứng chỉ tiếng Anh Aptis
(Dân trí) - Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một số trường đại học, cao đẳng tạm dừng chấp nhận chứng chỉ tiếng Anh Aptis, theo sau việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng không công nhận chứng chỉ này.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Hội đồng Anh tại Việt Nam và các bên liên kết giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis, có biện pháp xử lý bảo đảm quyền lợi của người dự thi. Thế nhưng đến nay, nhiều sinh viên vẫn "mất ăn mất ngủ" vì phía Hội đồng Anh cũng như trường đại học chưa tìm được tiếng nói chung.
Đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng tạm dừng chấp nhận chứng chỉ Aptis.
Nhiều trường tạm dừng công nhận chứng chỉ Aptis
Trường Cao đẳng Công thương TPHCM có gần 100 sinh viên đã dự thi và được cấp chứng chỉ Aptis trong thời gian trên. Theo lãnh đạo nhà trường, trường đang tạm dừng công nhận chứng chỉ này và đợi hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
"Những sinh viên nếu không muốn chờ đợi thì có thể đăng ký thi chuẩn đầu ra nội bộ vẫn được trường tổ chức thường xuyên để đảm bảo tiến độ học tập, xét công nhận tốt nghiệp. Trong trường hợp Bộ GD&ĐT có công văn công nhận hai chứng chỉ này tương đương thì nhà trường sẽ chấp nhận", lãnh đạo nhà trường cho biết.
Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học công lập tại TPHCM cũng thông tin rằng nhà trường đang tiếp nhận sinh viên nộp chứng chỉ xét đầu ra.
"Vì số lượng sinh viên của trường lớn nên khi tiếp nhận hồ sơ của các em nhà trường sẽ kiểm tra tính hợp lệ. Với những sinh viên có chứng chỉ Aptis thi trong thời gian không hợp lệ thì sẽ thông báo riêng cho sinh viên chứ không ra văn bản", vị này cho hay.
Phó Hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập tại TPHCM chia sẻ: "Trong trường hợp này, các trường đều lo ngại về tính pháp lý vì Hội đồng Anh đã cấp chứng chỉ không đúng tên gọi được cấp phép. Mà các trường phải làm việc trên văn bản giấy tờ cụ thể của Bộ GD&ĐT chứ không thể nói là tương đương hay tương đồng gì khi mà "đuối" về pháp lý".
"Thà lùm xùm mà giải quyết dứt điểm trước khi cấp bằng tốt nghiệp sẽ tốt hơn là khi cấp bằng rồi mới "khui" ra việc không đảm bảo chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn đầu ra thì khó xử lý hơn", vị này cho hay.
Hàng trăm sinh viên vẫn đang "mắc kẹt" vì chứng chỉ Aptis
Vụ việc lùm xùm khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng không công nhận chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh cấp cho những người dự thi trong thời gian từ 11/11 đến 22/12/2022 vẫn chưa đi đến hồi kết dù Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã ra những công văn gửi cho các bên.
Chia sẻ với Dân trí, V. - sinh viên năm thứ 4 ngành Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng - cho biết, bạn và hàng trăm sinh viên khác vẫn đang "mắc kẹt" vì tranh cãi về giá trị pháp lý của chứng chỉ Aptis này giữa nhà trường và Hội đồng Anh.
Ba tháng qua, V. đã đi lại nhiều lần nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Trong lần làm việc mới nhất vào chiều 28/2 và trong văn bản gửi tới thí sinh dự thi, thông báo gửi tới báo chí…, phía Hội đồng Anh vẫn luôn khẳng định mình thực hiện đúng và cho rằng phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng cần giải quyết cho sinh viên.
Hội đồng Anh nêu rõ: "Nếu có thêm thắc mắc về vấn đề này, sinh viên nên liên hệ với nhà trường để có được quyết định cuối cùng về việc chấp nhận các chứng chỉ này" - thông cáo báo chí của đơn vị này viết.
Trong khi đó, phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng trả lời sinh viên sẽ xem xét lại nếu Bộ GD&ĐT công nhận hai chứng chỉ này tương đương và có giá trị pháp lý.
Một nam sinh viên khác bức xúc: "Phía Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng Anh phải giải quyết dứt điểm vụ việc và đảm bảo quyền lợi cho người thi, nhưng khi làm việc Hội đồng Anh lại nói sinh viên tự lên trường làm việc và từ chối tổ chức buổi họp ba bên.
Sinh viên sao có thể tự lên làm việc với trường trong khi Hội đồng Anh chỉ cung cấp một văn bản do Hội đồng Anh tự công nhận mình đúng được?".
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa có văn bản lần thứ hai gửi Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT để hỏi lại về vấn đề này.
Nhằm đảm bảo tiến độ tốt nghiệp, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên được đăng ký các học phần có yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh để học trước và gia hạn nộp chứng chỉ tiếng Anh để xét đầu ra đến 31/10. Những sinh viên có chứng chỉ Aptis General và Advanced trước ngày 11/11/2022 vẫn được trường công nhận.
Theo báo cáo giải trình, từ khi có quyết định phê duyệt của Bộ (ngày 11/11/2022 cho đến ngày 22/12/2022) Hội đồng Anh và các bên liên kết đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ Aptis cho hơn 6.000 thí sinh dự thi.
Luật sư nói gì về tính pháp lý?
Liên quan tới vụ việc này, luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, căn cứ theo khoản 1, Điều 2 Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT: "Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là văn bản xác nhận kết quả thi năng lực ngoại ngữ do cơ quan, tổ chức, cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cấp cho người dự thi. Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không phải là chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân" và căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT "Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hợp pháp và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới khi được cơ quan có thẩm quyền của nước sử dụng ngôn ngữ được thi cấp chứng chỉ là ngôn ngữ chính thức công nhận hoặc để xét duyệt hồ sơ nhập cư, nhập quốc tịch, cấp thị thực nhập cảnh cho công dân các nước có nhu cầu định cư, làm việc, nghiên cứu, học tập tại thời điểm phê duyệt liên kết tổ chức thi".
Ngày 11/11/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Hội đồng Anh và một số tổ chức khác. Tại khoản 4, Điều 2 quy định "Chứng chỉ được cấp: Aptis ESOL International Certificate".
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài yêu cầu các bên tham gia trong đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có trách nhiệm: "Thực hiện đúng cam kết trong đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được phê duyệt. Trong trường hợp có sự thay đổi so với đề án, các bên liên kết báo cáo Bộ GD&ĐT để xem xét, quyết định điều chỉnh".
Vì vậy, việc Hội đồng Anh tổ chức thi, nhưng lại cấp chứng chỉ Aptis là không đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT và theo đề án liên kết đã được Bộ GD&ĐT chấp thuận.
Về việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng có căn cứ từ chối công nhận chứng chỉ hay không, luật sư Tuấn cho hay: Căn cứ theo quy định tại Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, thì cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ về: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.
Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có toàn quyền tự chủ trong hoạt động học thuật, hoạt động chuyên môn của nhà trường, bao gồm việc công nhận những chứng chỉ ngoại ngữ nào đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ của chương trình đào tạo.
Phương án giải quyết "hợp tình, hợp lý"
Luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng, theo giải trình của các bên liên kết gửi Bộ GD&ĐT, trong quá trình thực hiện tổ chức thi Aptis/Aptis ESOL từ 11/11 đến 22/12/2022, đơn vị này vẫn cấp mẫu chứng chỉ Aptis cũ do phôi chứng chỉ mới chưa kịp về Việt Nam. Hội đồng Anh lý giải do sơ suất về mặt hành chính, đơn vị này và các bên liên kết chưa kịp thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT về việc vẫn cấp chứng chỉ Aptis mẫu cũ.
Vì thế, để giải quyết hợp tình, hợp lý trong vụ việc này, Hội đồng Anh có thể báo cáo Bộ GD&ĐT để cấp lại chứng chỉ Aptis ESOL cho những thí sinh đã dự thi trong giai đoạn từ 11/11/2022 đến 22/12/2022. Cùng với đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có thể thành lập hội đồng thẩm định để xem xét có công nhận chứng chỉ Aptis ESOL là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét miễn học phần tiếng Anh và chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên.