Đắk Lắk:
Thêm người tố cáo bị Hiệu trưởng lừa tiền chạy suất hợp đồng dài hạn
(Dân trí) - Tin tưởng lời hứa hẹn của Hiệu trưởng để có được một suất Hợp đồng dài hạn với trường, gia đình chị Dung đã đưa cho vị này tổng cộng 70 triệu đồng và được Hiệu trưởng ghi “Giấy vay nợ”. Tuy nhiên, Hiệu trưởng đã không thực hiện việc đã hứa mà cũng không hoàn trả lại số tiền này.
Nhiều lần đòi tiền Hiệu trưởng phớt lờ không trả
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (ngụ xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) vừa có phản ánh với cơ quan báo chí về việc ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đã nhận của gia đình chị số tiền 70 triệu đồng để xin cho chị có được Quyết định hợp đồng dài hạn về làm nhân viên tại trường nhưng đã không thực hiện và không trả lại tiền.
Chị Dung cho biết, vào tháng 3/2014, chị được ông Huỳnh Bê ký hợp đồng với trường và nhận vào làm nhân viên thiết bị của trường. Trước đó, để được ký hợp đồng, gia đình chị đã đưa cho ông Bê số tiền 30 triệu đồng. Trong quá trình chị đi làm ông Bê liên tục hứa hẹn rằng sẽ lo được cho chị quyết định Hợp đồng dài hạn để chờ thi công chức và cho rằng chị phải đưa tiếp 40 triệu đồng để lo được quyết định này.
Vào tháng 5/2014, gia đình chị Dung đưa tiếp cho ông Bê thêm 40 triệu đồng và được ông Bê viết “Giấy vay nợ” ghi tên người ông vay là bà Huỳnh Thị Phước (mẹ ruột chị Dung). Trong giấy vay ghi rõ “Số tiền này khi chị Phước cần tôi sẽ hoàn trả đúng số tiền tôi đã nhận”.
Cũng theo chị Dung, sau khi ông Bê nhận tiền, chị vẫn là nhân viên hợp đồng của trường với mức lương ban đầu là 2,6 triệu, sau đó giảm dần xuống 1,5 triệu đồng, rồi 1,2 triệu đồng/ tháng.
“Những lần gặp thầy tôi có hỏi về quyết định dài hạn nhưng thầy Bê vẫn cứ hứa hẹn trong khi đó tôi thấy càng có nhiều người hợp đồng về trường. Mỗi ngày tôi phải đi gần 40km đến trường để làn việc nhưng mức lương nhận được quá thấp không đủ chi phí xăng xe nên đến đầu tháng 1/2017 tôi đã xin nghỉ làm”, chị Dung cho hay
Sau đó, chị Dung cùng gia đình nhiều lần điện thoại, nhắn tin để được ông Bê hoàn trả tiền lại nhưng đều không được. “Tôi được biết vào tháng 3 này thầy Bê sẽ về hưu nên biết rất khó để lấy lại số tiền này và còn biết tin thầy còn nợ rất nhiều người nên đang rất hoang mang, lo lắng”, chị Dung cho hay.
Bị vạ lây vì bỗng dưng có tên trong "Giấy nhận tiền để xin việc"?
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pắk đã nhận đơn tố cáo của bà C.T.L. (xã Ea Yông, ngụ huyện Krông Pắk) đã tố cáo ông Huỳnh Bê về hành vi nhận tiền để xin việc. Theo tài liệu mà bà L. cung cấp cho cơ quan điều tra, vào tháng 9/2016, ông Huỳnh Bê có viết một tờ “Giấy nhận tiền để xin việc” cho con gái bà vào làm việc tại trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ông Bê đã nhận số tiền 300 triệu đồng, trong đó thỏa thuận rằng công việc sau này không thành, ông Bê sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho bà L. số tiền này.
Đáng nói, trong “Giấy nhận tiền để xin việc” vào Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Đắk Lắk do ông Huỳnh Bê viết nhận tiền và ký có ghi rõ: “Tôi có nhận của bà C.T.L. 300 triệu đồng để xin cho cháu A. vào làm việc tại Trường CĐSP Đắk Lắk. Số tiền này tôi đưa cho ông Năm, Phó phòng Tổ chức của Trường CĐSP Đắk Lắk để lo việc”.
PV Dân trí đã tìm gặp ông Vũ Văn Năm - Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Công tác Sinh viên, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk để tìm hiểu rõ thêm về vụ việc này thì được ông Năm cho biết, ông có quen biết với ông Bê nhưng khẳng định không hề có liên quan đến khoản tiền ông Huỳnh Bê đã viết trong “Giấy nhận tiền để xin việc” và cho rằng ông Bê đã mượn danh mình để lừa gạt người khác.
Cũng theo ông Năm, ông đã 4 lần được Công an mời lên làm việc nên rất mệt mỏi vì tự dưng bị “mắc vạ” vào thân. “Tôi không nhận tiền và cũng không làm gì sai cả, tôi đang chờ kết luận cuối cùng từ phía cơ quan công an vì tôi nghe nói ông Bê nợ nần rất nhiều người”, ông Năm nói thêm.
Được biết, khi cơ quan công an mời lên làm việc , ông Huỳnh Bê đã thừa nhận “giấy nhận tiền để xin việc” mà bà L. cung cấp là của ông. Ông Bê cũng cho rằng đã trả được một ít và hứa sẽ trả số tiền còn lại. Vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.
Ông Huỳnh Bê còn bị nhiều giáo viên của trường tố ông đã lập 2 bảng lương khác nhau để “ăn chặn” tiền lương hàng chục triệu đồng của các giáo viên hợp đồng. Ngoài ra, ông Bê còn bị tố khi con trai của ông Bê ngừng giảng dạy ở trường nhưng vẫn được nhận lương đều đặn suốt 4 tháng.
Thúy Diễm