Nghệ An:

Thầy trò vùng biên băng rừng để dẫn nguồn nước về sinh hoạt

(Dân trí) - Sau cơn bão số 3/2018, hơn 100m đường ống dẫn nước bị nước lũ cuốn trôi khiến hàng trăm em học sinh và người dân tại xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Học sinh lội suối, băng rừng để đi dẫn nước về dùng.

Cứ sau mỗi buổi tan học, thầy và trò trường PTDTBT - THCS Thông Thụ, huyện Quế Phong lại cùng nhau vào rừng sâu để dẫn nguồn nước về sinh hoạt. Người dân thì tìm mọi cách để khắc phục tình trạng này.

Thầy Hoàng Ngọc Nam (giáo viên phụ trách Khu KTX Giáo viên và học sinh, trường PTDTBT - THCS Thông Thụ) cho biết: “Sau khi đường ống nước chính bị hư hỏng, hàng trăm em học sinh và các giáo viên ở đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã phải bỏ kinh phí để mua hàng trăm mét đường ống dẫn nước từ khe suối cao để dẫn nước về sử dụng”.

Sau mỗi buổi học, thầy và trò phải lặn lội đường rừng để đi dẫn nước.
Sau mỗi buổi học, thầy và trò phải lặn lội đường rừng để đi dẫn nước.

“Khổ nhất là khi đường ống bị trục trặc. Không có nước chảy về, các em học sinh phải xin nước ở nhà người dân xung quanh để sinh hoạt. Để khắc phục, sau khi tan học, các thầy giáo cùng các em học sinh lại đi bộ, mon men nhiều km đường rừng để lên sữa chữa đường ống”, thầy Nam cho biết thêm.

Thầy trò vùng biên băng rừng để dẫn nguồn nước về sinh hoạt - 2
Các em học sinh đang tự tay sửa lại đường dây dẫn nước.
Các em học sinh đang tự tay sửa lại đường dây dẫn nước.

Theo ghi nhận của PV tại khu KTX của trường PTDTBT - THCS Thông Thụ, ở đây có 285 học sinh và thầy cô giáo ở nội trú. Toàn bộ khu KTX có một bồn nước 5 khối và hai bể chứa nước 10 khối nhưng mấy tháng nay luôn trong tình trạng cạn kiệt.

Cuộc sống của học sinh và giáo viên ở đây hết sức khó khăn, ngoài việc các em phải đi vào nhà dân xin tắm rửa, giặt giũ thì nguồn nước ăn của các em và thầy cô cũng không đảm bảo an toàn vì phải dùng nước cặn để nấu ăn.

Thầy trò vùng biên băng rừng để dẫn nguồn nước về sinh hoạt - 4

Em Lô Tuấn Nghĩa (SN 2004, học sinh lớp 9A, trường trường PTDTBT- THCS Thông Thụ) chia sẻ: “Do nhà em ở xa khoảng gần 10km nên em phải ở lại trường. Mỗi khi thiếu nước, các em thường ra nhà dân xung quanh để xin tắm rửa và giặt giũ quần áo”.

Tương tự như trường PTDTBT - THCS thì trường Mầm non và trường Tiểu học xã Thông Thụ phải đầu tư nhiều cuộn dây dài hàng chục km rồi nhờ các bậc phụ huynh vào rừng để dẫn nước từ nguồn về.

Ông Lô Văn Hòa – Phó chủ tịch UBND xã Thông Thụ nói về thực trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân và các em học sinh.

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Nghĩa chia sẻ: “Nhà trường phải mua máy lọc nước lớn để đảm bảo sức khỏe cho các em. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng sớm khắc phục hệ thống nước sạch để đảm bảo cho việc học tập sinh hoạt cho các em".

Cuộc sống của thầy cô, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn nước không ổn định.
Cuộc sống của thầy cô, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn nước không ổn định.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lô Văn Hòa - Phó chủ tịch UBND xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) cho biết: “Sau cơn bão số 3 (vào tháng 8/2018), khoảng 100m đường ống nước bị cuốn trôi, hư hỏng khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân, các thầy cô giáo và hàng trăm em học sinh ở 3 trường học (Trường PTDTBT - THCS, Tiểu học và Mầm non) gặp rất nhiều khó khăn.

“Địa phương cũng đã báo cáo sự việc lên Phòng kinh tế hạ tầng và UBND huyện để có biện pháp khắc phục”, ông Hòa nói.

Được biết, toàn xã Thông Thụ có 1.124 hộ với hơn 4.700 nhân khẩu, hiện tại nguồn nước mà người dân, thầy cô giáo và các em học sinh sử dụng được lấy từ các khe suối.


Người dân phải sử dụng xoong nồi để trữ nước.

Người dân phải sử dụng xoong nồi để trữ nước.

Ông Sầm Bá Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quế Phong thông tin: “Phía huyện đã nhận được phản ánh về tình trạng này. Do điều kiện địa lý phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên việc khắc phục rất khó khăn”.

“Để khắc phục hệ thống đường ống dẫn nước từ nguồn về thì chi phí cũng khá cao khoảng 500-700 triệu đồng. Chúng tôi đang cố gắng cùng các cơ quan chức năng để khắc phục tình trạng này để đảm bảo cuộc sống cho các em học sinh, thầy cô giáo và nhân dân”, ông Tuấn cho biết thêm.

Nguyên nhân của việc thiếu nguồn nước là do đường ống dẫn nước bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa.
Nguyên nhân của việc thiếu nguồn nước là do đường ống dẫn nước bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa.

Nguyễn Tú

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm