Thầy trò mang tiếng được nghỉ nhưng lại phải... dạy học bù
(Dân trí) - Lịch nghỉ lễ giỗ Tổ vào thứ 2 (tức ngày 15/4 dương lịch) nhưng ở một số địa phương, giáo viên và học sinh lại phải dạy - học bù vào một ngày nghỉ khác.
Sáng thứ 7 (ngày 13/4), thầy trò Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Nha Trang, Khánh Hòa được bố trí tổ chức và dạy học bù cho ngày thứ 2 (15/4) trong kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Một số giáo viên ở trường không khỏi bức xúc vì khóa biểu của trường không học vào thứ 7, nhưng nghỉ lễ lại dùng thứ 7 để dạy học bù.
Theo các thầy cô giáo, điều này là hết sức vô lý. Thứ 2 nằm trong lịch chính thức của đợt nghỉ lễ, thế nhưng lại phải dạy học bù, như vậy nói là nghỉ lễ nhưng thực chất giáo viên và học sinh không hề được nghỉ? Chưa kể, lại dùng một ngày nghỉ khác của thầy và trò để dạy bù lại càng bất hợp lý.
Cô N.T.H., có con học tại trường THCS Võ Thị Sáu, TP Nha Trang cho biết, bản thân chị cũng là một giáo viên, chị thấy thương cho thầy và trò với kế hoạch nghỉ và học bù này. Theo lịch chung, thầy trò được nghỉ dạy, nghỉ học, vậy sao lại bắt bù vào một ngày khác, lại là ngày nghỉ, vậy rõ ràng là không hề được nghỉ.
"Như vậy là có nghỉ đâu, vậy sao không để bình thường, không nghỉ để các gia đình không bị đảo lộn kế hoạch và người trong cuộc đỡ bị ức chế. Mang tiếng được nghỉ nhưng không được nghỉ", chị H. nói.
Quan tâm đến kỳ nghỉ 30/4 sắp tới của các con, có tiếng được nghỉ rồi lại phải học bù, cô H. đã lên phản ảnh với nhà trường thì được biết, thời khóa biểu lẽ ra không được nghỉ thứ 7 nhưng do nhà trường xếp lịch gọn để học sinh được nghỉ. Nhưng cô H. không đồng tình vì trường đã xếp lịch như vậy, các cháu học đảm bảo chương trình học, sao lại lấy ngày nghỉ để... bù cho ngày nghỉ.
Cô H. cũng cho biết ở Nha Trang rất nhiều ngày lễ được nghỉ nhưng sau đó thầy trò phải dạy bù, học bò vào ngày nghỉ khác, thành ra kỳ nghỉ lễ trở thành "ức chế" với học sinh, giáo viên.
"Khu chương trình của Bộ Giáo dục rất mở, chỉ có thời gian bắt đầu và kết thúc. Trong năm học có rất nhiều tuần đệm, hoàn toàn có thể học bù vào bằng tuần đệm, sao lại cứng nhắc lấy đi ngày nghỉ khác của thầy trò", cô H. nói.
Ngoài trường THCS Võ Thị Sáu, được biết một số trường THCS ở Khánh Hòa cũng tổ chức học bù kỳ nghỉ giỗ Tổ vào ngày thứ 7. Lãnh đạo các trường cho biết, hầu hết các trường ở khu vực đều học bù như vậy để đảm bảo chương trình học.
Theo thông báo của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa về dịp lễ giỗ Tổ, công chứ, viên chức được nghỉ liền 3 ngày (từ 13 - 15/4/2019), trong đó thứ 2 ngày 15/4, nghỉ bù cho ngày chủ nhật 14/4.
Lịch nghỉ lễ giỗ Tổ của Sở GD-ĐT Khánh Hòa là 3 ngày nhưng thầy trò nhiều trường phải dạy học bù ngay trong đợt nghỉ
Như ở Bình Thuận, nhiều trường tiểu học có kiểu kéo lùi thời khóa biểu để dạy học bù. Cụ thể, tuần thứ 32 có thứ 2 (ngày 15/4) nghỉ bù cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương nên sau đó là thứ 2 lại được tính là ngày đầu tuần, thứ 2 của tuần kế tiếp mới là ngày cuối tuần của tuần 31. Và các tuần sau lại bắt đầu từ thứ 3... nên lịch học bị rối tung.
Trên các diễn đàn, giáo viên một số địa phương cũng bức xúc về việc nói là được nghỉ nhưng thực tế, sau đó giáo viên, học sinh phải đi dạy, học bù, thậm chí phải dạy bù vào chủ nhật.
"Tôi không biết những ngày nghề khác được nghỉ rồi có phải làm bù không nhưng nghề giáo, ở nhiều địa phương gọi là nghỉ lễ nhưng thực chất không được nghỉ vì phải bù vào một ngày khác", một giáo viên ở Bình Thuận bộc bạch.
TPHCM không tổ chức học bù cho ngày nghỉ
Theo lịch của Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh nghỉ trong lễ giỗ tổ Hùng Vương 3 ngày, từ ngày 13 - 15/4 do ngày lễ trùng vào chủ nhật. Sau đó, học sinh sẽ nghỉ 5 ngày vào dịp lễ 30/4 và 1/5 bắt đầu từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các trường chủ động xây dựng phương án tổ chức cho học sinh nghỉ và không tổ chức dạy học bù vào ngày nghỉ khác.
Lê Đăng Đạt