Sóc Trăng:
Thầy giáo thể dục tự nguyện trích tiền của mình giúp học sinh khó khăn
(Dân trí) - Thấy còn nhiều em học sinh khó khăn, thầy đã tự nguyện trích một phần tiền của mình và vận động mọi người chung tay góp sức, mỗi người một ít, tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ các em được tốt hơn.
Vào ngành giáo dục từ năm 1994, thầy Nguyễn Văn Phong (SN 1969, quê huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) dạy môn Giáo dục thể chất tại trường TH&THCS An Mỹ 1.
Với 27 năm trong nghề, thầy có nhiều kinh nghiệm, luôn tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ đem đến cho các em học sinh sự hứng thú học thể dục mà còn giúp các em có kiến thức rèn luyện, bảo vệ sức khỏe của mình.
Thầy Nguyễn Văn Phong cho biết, xã An Mỹ là xã vùng xa, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều em học sinh ở xã có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để đến trường nên thiệt thòi trong học tập.
Với mong muốn giúp các em có điều kiện để tiếp tục nuôi giấc mơ con chữ, thầy đã tự nguyện trích một phần tiền của mình hỗ trợ các em. Đồng thời, vận động mọi người chung tay góp sức, mỗi người một ít, tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ các em được tốt hơn.
Thầy Phong nói: "Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân, cũng trải qua những khó khăn thiếu thốn thời còn đi học phổ thông. Khi cuộc sống của mình đã tạm ổn nên tôi muốn được chia sẻ phần nào như học bổng, xe đạp… cho các em học sinh. Được giúp các em, nhìn các em đến trường đầy đủ, tôi rất vui và hạnh phúc".
Cũng từ sự vận động xã hội hóa của thầy Phong, cơ sở vật chất của trường TH&THCS An Mỹ I như sân chơi, bãi tập, đường đi… ngày càng được hoàn thiện bằng bê tông. Cây xanh được trồng nhiều hơn, tạo nên vẻ đẹp cảnh quan môi trường trường học theo tiêu chí "Trường em xanh, sạch, đẹp", góp phần đưa trường đạt chuẩn quốc gia.
Thầy Lý Tuấn, Hiệu trưởng trường TH&THCS An Mỹ I, cho biết: "Thầy Phong là người rất có duyên, nhiệt tình với công tác xã hội hóa giáo dục khi vận động được hàng trăm triệu đồng để trao quà, học bổng cho các em học sinh nghèo, giúp các em bớt đi một phần khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đến trường hoàn thành chương trình học tập.
Hoạt động xã hội hóa giáo dục của thầy đã tạo được sự lan tỏa rộng trong xã hội. Nhiều nhà hảo tâm, nhiều em học sinh cũ của thầy đã đồng hành với thầy để giúp đỡ các em học sinh nghèo ở địa phương. Tấm lòng của thầy rất quý, rất đáng trân trọng".
Với những thành tích trong công tác chuyên môn và sự đóng góp trong phong trào xã hội hóa giáo dục, thầy Nguyễn Văn Phong đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng; nhiều giấy khen của UBND huyện, UBND xã.