Thầy giáo miền núi vượt qua định kiến để làm giáo viên mầm non
(Dân trí) - Những ngày đầu vào nghề giáo viên mầm non, thầy Vì Đức Chuân (giáo viên Trường mầm non xã Tân Dân, Mai Châu, Hòa Bình) chịu áp lực lớn từ công việc, gia đình. Vì lòng yêu nghề, anh đã “đấu tranh” vượt qua định kiến để làm giáo viên mầm non.
Ngày 16/1, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình Giao lưu, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non.
Có mặt trong 127 giáo viên mầm non, điển hình đóng góp tích cực trong tổng số hơn 400 nghìn giáo viên mầm non cho bậc học mầm non cả nước đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vào ngày 16/1, thầy giáo Vì Đức Chuân đã kể về hành trình trở thành “ông giáo mầm non”.
Là giáo viên trẻ, 5 năm nay, thầy Vì Đức Chuân đã gắn bó với ngôi trường mầm non xã Tân Dân của huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Được biết, những ngày đầu tiên thầy Chuân lựa chọn nghề này, gia đình ra sức ngăn cản, bạn bè và người thân cũng chế nhạo cậu thanh niên trẻ.
Anh kể, bố mẹ mình mong muốn, bét nhất con trai phải làm giáo viên cấp tiểu học, thay vì mầm non, suốt ngày múa hát và dỗ dành lũ trẻ con lít nhít.
“Tôi đã tâm sự với bố mẹ, nghề nào cũng cao quý, cấp học nào cũng quan trọng. Hãy để con được đi theo con đường mình đã chọn. Cuối cùng, gia đình đã đồng tình để tôi theo nghề giáo viên mầm non. Tôi đã vượt qua định kiến không chỉ của gia đình mà của bạn bè và nhiều người xung quanh để làm thầy giáo mầm non", thầy Chuân nhớ lại.
Kể về việc có bao giờ anh nghĩ mình lựa chọn sai nghề hay không, thầy Vì Đức Chuân cho hay, đã 5 năm trôi qua, chưa ngày nào anh ân hận vì quyết định làm giáo viên mầm non.
“Những ngày đầu tiên đi dạy, tôi cũng hốt hoảng lắm. Là thầy giáo, tôi chưa từng chăm sóc trẻ con.
Kiến thức học trong nhà trường một chuyện nhưng thực tế bên ngoài, muôn hình vạn trạng, không giống tôi tưởng tượng ban đầu.
Thậm chí khi thầy đón trẻ đến lớp ngày đầu, nhiều em sợ không dám cho thầy đón vì sợ hãi.
Lớp lúc nào cũng tầm hai mươi mấy đến ba mươi học sinh. Tụi trẻ mỗi lần có bạn khóc, bạn khác lại làm thành “dàn đồng ca” nên tôi hốt hoảng, không biết dỗ sao cho học sinh nín.
Về sau tôi quen dần. Từ đó, tôi học cách chăm sóc, dỗ dành các con và đưa học sinh vào nề nếp”, thầy Chuân chia sẻ.
Khi được hỏi về việc, là thầy giáo mầm non, làm sao có thể hát múa mỗi ngày như các cô giáo, thầy Chuân cười ngượng ngùng: “Thực ra những kiến thức đó chúng tôi đều được học trong trường nên đã quen phần nào.
Đến lớp, tôi cũng hát hò, múa một số động tác đơn giản. Còn kĩ năng chăm sóc học sinh, tôi vẫn làm như cô giáo mà không nề hà gì”.
Đặc biệt theo thầy Chuân, là thầy giáo mầm non đôi khi là lợi thế bởi được các cô nhiệt tình chỉ bảo, hỗ trợ lúc khó khăn, được nhiều chị em trong trường ưu ái giúp đỡ để hoàn thiện nghề nghiệp hơn.
“Phụ huynh thường xuyên động viên, quan tâm. Ngày lễ ngày tết, có phụ huynh mang biếu thầy mấy cân nếp nương khiến tôi vô cùng xúc động”, thầy Chuân tâm sự.
Được biết ngôi trường nơi thầy Chuân công tác thuộc diện vùng sâu vùng xa.
Mong ước lớn nhất của giáo viên này là làm sao để nâng cao cơ sở vật chất trường lớp cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Làm thế nào để học sinh có thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi để trẻ em học tập.
“Những năm gần đây, giáo dục mầm non đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, được các tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Có được kết quả này của giáo dục mầm non không thể không nhắc đến vai trò của các giáo viên mầm non ngày đêm không quản khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm non của đất nước.
"Tôi mong muốn mỗi giáo viên được tôn vinh ngày hôm nay sẽ mãi mãi là tấm gương sáng về tình yêu nghề, mến trẻ". - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
M. Hà