Thầy giáo đam mê sưu tầm hiện vật để dạy học sinh
Niềm đam mê của thầy Lê Văn Hoàng đã truyền cảm hứng cho học sinh, đồng thời bổ sung nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Ở xã vùng sâu Cư Amung, huyện Ea H’leo, tỉnh Đak Lak có một người đam mê khảo cổ học, đó là thầy giáo Lê Văn Hoàng, giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ.
Niềm đam mê của thầy đã truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử, đồng thời bổ sung nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phục vụ công tác nghiên cứu.
Tiết học lịch sử về nguồn gốc loài người của lớp 6B, trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo, tỉnh Đak Lak trở nên hào hứng, thú vị bởi học sinh không chỉ được xem các hình ảnh mà còn cầm nắm được từng dụng cụ do người tiền sử chế tác, sử dụng. Quan sát, cầm, nắm từng chiếc rìu, bôn, đục ở phòng thư viện của trường.
Em Nguyễn Thị Tường Vi cho biết, những hình ảnh, hiện vật trực quan này giúp em cảm thụ bài học tốt hơn và thêm yêu môn lịch sử.
"Chúng em rất thích những tiết học lịch sử của trường. Vì ở đây chúng em được tận mắt nhìn thấy và được tận tay cầm vào những đồ vật mà trước đây người tiền sử đã dùng. Em cảm ơn thầy Hoàng và các anh chị khóa trước đã bỏ công sưu tập những cổ vật này để chúng em hiểu hơn về đời sống của người Việt cổ xưa".
Thầy Lê Văn Hoàng đang cùng học trò sắp xếp những vật dụng mà mình sưu tập được.
Những hiện vật Vi vừa nhắc đến chính là thành quả mà thầy Lê Văn Hoàng, giáo viên môn Lịch sử của trường sưu tầm suốt 10 năm qua. Bằng niềm đam mê khảo cổ và mong muốn truyền đạt niềm đam mê ấy đến học trò.
Sau 10 năm tìm kiếm, sưu tầm, đến nay, thầy giáo Lê Văn Hoàng đã sở hữu hơn 600 hiện vật có giá trị khảo cổ như: Rìu, bôn, đục, mũi nhọn, bàn mài, tước, hòn ghè, chày nghiền, phác vật và mảnh gốm bằng chất liệu đá, đất nung, là công cụ và vật dụng trong sinh hoạt thuộc niên đại Hậu kỳ đá mới – Sơ kỳ kim khí cách ngày nay khoảng 3000 – 4000 năm.
Đánh giá về các hiện vật, ông Trần Quang Năm, trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Đak Lak cho rằng: “Chất liệu các hiện vật khá phong phú nhưng chủ yếu là các loại đá có độ cứng cao như Opal, Silic... và hầu hết công cụ lao động đã được mài nhẵn toàn thân. Giá trị của các hiện vật này không phải ở số lượng ít hay nhiều, mà nằm ở sự đa dạng phong phú về loại hình, hình dáng, chất liệu đá. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về dấu tích của người nguyên thủy ở vùng đất Cư Amung”.
Cô Hoàng Thị Tuyết – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Cư Amung cho biết: "Do điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, nhất là đối với một trường mới thành lập ở xã vùng sâu vùng xa như Cư AMung, nên việc bổ sung đồ dùng dạy học là vấn đề rất cần thiết.
Với niềm đam mê khảo cổ học, dày công sưu tầm của thầy Hoàng đã hỗ trợ tốt cho việc giảng dạy môn lịch sử, giúp các em học sinh hiểu bài ngay tại lớp, khơi dậy các em có niềm đam mê với khảo cổ học.
"Thầy giáo Hoàng luôn tìm tòi nghiên cứu vận dụng những phương pháp dạy học mới để giúp học sinh dễ tiếp thu bài. Trong quá trình giảng dạy, thầy Hoàng đã tìm kiếm, sưu tầm những cổ vật ở Cư Amung và đưa vào những tiết học trên lớp, tạo cho các em học sinh sự hứng thú hơn, sôi nổi hơn trong học tập", Cô Tuyết nói.
Không chỉ lưu giữ những hiện vật sưu tập được trưng bày tại phòng thư viện của trường để làm đồ dùng dạy học, thầy giáo Lê Văn Hoàng còn tặng Bảo tàng Đắk Lắk hơn 50 hiện vật để trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu.
Thầy Hoàng cho biết, sẽ tiếp tục công việc tìm kiếm, sưu tầm, đồng thời tích cực phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện các chuyến khảo sát, khai quật, thám sát trong thời gian tới.
"Tây Nguyên là một mảnh đất màu mỡ về khảo cổ học, điều mong muốn của tôi là cố gắng tìm hiểu và kết hợp với các cơ quan chuyên môn để khẳng định được giá trị của những di chỉ ở đây để đưa được địa danh khảo cổ học Cư Amung vào sách giáo khoa", thầy Hoàng cho biết.
Dạy học ở xã vùng xa như Cư Amung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng niềm đam mê khảo cổ học, thầy giáo Lê Văn Hoàng đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị.
Việc làm đó đã truyền cảm hứng cho học trò yêu thích môn lịch sử, đồng thời bổ sung nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phục vụ công tác nghiên cứu. Việc làm của thầy giáo Lê Văn Hoàng rất đáng trân trọng.
Theo Hương Lý
VOV