Thấy gì khi thầy giáo "lột đồ, tát học trò" vì hút thuốc lá được cổ vũ?
(Dân trí) - Phó hiệu trưởng tát học trò ù tai vì hút thuốc lá điện tử, thầy giáo cho lột đồ 8 nam sinh kiểm tra thuốc lá. Đáng lên án là những hành vi bạo lực đó của giáo viên lại được nhiều người ủng hộ.
Sự việc phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) tát học sinh ù tai vì hút thuốc lá điện tử gây chú ý những ngày qua.
Theo thông tin sự việc, nam sinh này chụp ảnh mặc đồng phục của trường và hút thuốc lá điện tử đăng lên mạng xã hội. Khi phó hiệu trưởng mời lên làm việc, học sinh không thừa nhận liền bị nhà quản lý này tát và phải đi viện thăm khám.
Trên nhiều diễn đàn, bên cạnh nhiều ý kiến bất bình, bức xúc về hành vi bạo lực với học trò thì không ít người bày tỏ ủng hộ cái tát của thầy giáo. Hàng loạt bình luận như "tát là đúng", "bố mẹ nên đến nhà cám ơn thầy", "tát là còn nhẹ", "sau này mới biết ơn thầy"...
Liên quan vấn đề thuốc lá điện tử trong trường học, chỉ vài tháng trước, từng xảy ra sự việc thầy giám thị tại Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, quận Gò Vấp, TPHCM cho lột đồ 8 nam sinh để kiểm tra.
Cũng như cái tát của phó hiệu trưởng nói trên, đâu đó không thiếu những ý kiến bênh vực cho hành vi của thầy giám thị.
Quan sát câu chuyện này, cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên dạy Văn tại TPHCM phải thốt lên: "Thầy giáo đánh học trò không phải là chuyện hiếm nhưng không thể chấp nhận nổi khi nhiều người lại ủng hộ, cổ vũ điều đó".
Cô Linh cho rằng, thầy giáo cũng là con người, cũng có mọi cảm xúc như bất kỳ ai, trong vài trường hợp, thầy đánh trò có thể được thông cảm.
"Thông cảm ở chỗ có thể thấy thiếu kiềm chế, thông cảm do năng lực hạn chế, chưa có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn, thông cảm cho những áp lực thầy cô đang đối mặt. Chứ không thể chấp nhận và cổ vũ cho hành vi bạo lực với học trò, cho đó là đúng, là nên dù ở bất cứ tình huống nào", cô Linh nói.
Cô Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh, xét về đúng sai thì việc đánh trò là vi phạm luật, là hành vi không được phép. Còn về mặt giáo dục, điều này vô cùng tệ hại bởi khi người ta cho rằng "đánh là đúng", tức là họ đã khước từ các phương pháp giáo dục tích cực khác.
Nữ giáo viên trải lòng, cô sợ hãi tư tưởng cổ vũ bạo lực trong giáo dục như vậy nhưng không bất ngờ khi nhiều người ủng hộ đòn roi với trẻ. Bởi có thể họ lớn lên theo cách đó, họ tin đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất, họ đã không biết đến giáo dục có thể đi bằng con đường nhân văn, tôn trọng hơn.
"Một học trò sa vào hút thuốc lá hay tệ nạn thì có thể các em đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn. Khi chọn cách bạo lực với các em là chúng ta đã từ chối hỗ trợ đứa trẻ và có thể làm tình trạng của trẻ thêm trầm trọng. Khi đó không còn là giáo dục nữa", cô Linh nêu quan điểm.
Tại một chuyên đề về bạo lực học đường từ góc độ người thầy ở TPHCM, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ, các phương pháp giáo dục khác đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, hiệu quả chưa nhìn thấy ngay được. Còn việc đánh, phạt ngay lập tức có thể làm trẻ dừng hành vi sai vào lúc đó, chưa cần biết hậu quả về lâu dài thế nào.
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TPHCM cho hay, dường như chúng ta đang thất bại trong việc giáo dục trẻ bởi các phương pháp khác nên nhiều bố mẹ, giáo viên chọn cách chửi mắng, đánh đập các em nhân danh tình yêu thương.
Trong khi, bà Thúy cảnh báo, khi đứa trẻ bị ức chế, dồn nén vì chịu đựng bạo lực thì các em sẽ đi xả bạo lực vào bạn bè, người yếu thế hơn mình. Cứ như vậy, bánh xe bạo lực xoay theo vòng quay rất khủng khiếp.
Bởi vậy, người này không ngạc nhiên trước tình trạng bạo lực học đường hiện nay vì theo bà, cách hành xử của nhiều người lớn đang góp phần cho bạo lực.
Quay lại sự việc thầy giám thị cho lột đồ 8 nam sinh để kiểm tra thuốc lá điện tử, khi đó bà Võ Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner bày tỏ trường gặp nhiều khó khăn với những học trò đặc biệt, đã nhiều lần cảnh cáo các em về việc hút thuốc lá điện tử.
Là quản lý, bà thông cảm cho những khó khăn với người đồng nghiệp trẻ mới ra trường đầy nhiệt huyết, nóng lòng, non kinh nghiệm. Vậy nhưng, theo bà không thể lấy điều đó ra để bao biện cho hành vi lột đồ các em để kiểm tra thuốc lá.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, thầy giám thị có đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, trường chưa chấp thuận ngay, yêu cầu thầy ở lại cùng trường chịu trách nhiệm về sai phạm của mình cho đến khi mọi việc được giải quyết xong.
Thầy giáo nghỉ việc, theo bà Hương cũng là cách để thầy có khoảng lặng nhìn nhận lại về lựa chọn nghề giáo, nhìn nhận lại xem xét liệu mình có phù hợp, có nên tiếp tục với môi trường giáo dục hay không.
Như góc nhìn của cô giáo Thùy Linh, làm giáo dục là luôn phải đặt cho mình câu hỏi: "Liệu mình có thể làm cách nào tốt hơn không?".