Nghệ An

Vụ thầy giáo tát học sinh: Cần nghiêm khắc nhưng cũng cần nhân văn

Hoàng Lam

(Dân trí) - Với hành vi bạo lực với học sinh, thầy B. ở Nghệ An bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển công tác đến trường khác. Tuy nhiên, sự việc đã dẫn đến nhiều tranh luận trái chiều về ứng xử trong học đường.

Trần tình của thầy giáo

Liên quan đến vụ việc thầy giáo N.C.B, giáo viên môn Hóa học Trường THCS Thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo và điều động đến công tác tại một trường THCS khác trên địa bàn, PV Dân trí đã liên lạc với thầy để tìm hiểu cụ thể hơn sự việc.

Vụ thầy giáo tát học sinh: Cần nghiêm khắc nhưng cũng cần nhân văn - 1
Trường THCS Quỳ Hợp, nơi xảy ra sự việc (ảnh M.H)

Như đã thông tin, trong tiết Hóa học ngày 31/12/2020, do em N.Q.H (lớp 9A3, Trường THCS Thị trấn Quỳ Hợp) không thuộc bài cũ, không chép bài và có thái độ không tốt với giáo viên khi kiểm tra bài cũ nên thầy B. đã tát em này. Vụ việc được phụ huynh học sinh tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Kết quả xác minh cho thấy thầy B. có hành vi "tát vào mặt" em H. Căn cứ vào các quy định hiện hành, nam giáo viên này đã phải chịu hình thức kỷ luật như trên.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy B. thừa nhận trong một phút nóng giận, thiếu kiềm chế đã tát học sinh H. "Đây là hành động sai lầm tai hại của tôi và tôi đã bị xử lý với hình thức kỷ luật là cảnh cáo", thầy B. chia sẻ. Nam giáo viên này cũng cho rằng, qua sự việc này đã rút ra một bài học lớn về việc ứng xử với từng đối tượng học sinh.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh VP Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, ngay sau khi nắm bắt được thông tin về sự việc, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Hợp yêu cầu Trường THCS Thị trấn Quỳ Hợp xác minh, xử lý theo đúng quy định.

"Qua các buổi làm việc, thầy B. đã nhận lỗi, nhận ra hành vi của mình là không đúng chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến uy tín người giáo viên, tạo dư luận không tốt. Việc xử lý kỷ luật những sai phạm này là đúng quy trình, chặt chẽ, có tình, có lý, nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn.

Sở cũng chỉ đạo, trong quá trình làm việc, cũng phải phân tích rõ cho phụ huynh và học sinh để thấy rằng học sinh đã làm tròn trách nhiệm của người học hay chưa để có cái nhìn thỏa đáng hơn về sự việc".

Giáo viên bất lực trước học sinh chưa ngoan?

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ việc liên quan đến phương pháp giáo dục học sinh gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với học sinh hư, đi học không học bài, không làm bài tập, thậm chí cả không ghi chép và có thái độ không phù hợp với giáo viên, dẫn đến những ức chế bộc phát cho người thầy là điều có thể chấp nhận được.

Chị H.M (TP Vinh) nói: "Ông cha ta nói "thương cho roi cho vọt". Với những học sinh hư, một vài cái tát tôi nghĩ không phải là gì quá ghê gớm, hành xử của thầy có thể cảm thông được bởi suy cho cùng thầy cũng chỉ muốn tốt cho trò.

Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng nếu con chưa ngoan, cũng cần sự cảm thông, phối hợp với giáo viên, nhà trường để giáo dục, uốn nắn cháu. Trong trường hợp này thầy đã nhận sai, đã bị xử lý kỷ luật và tôi chắc chắn thầy đã rút ra được bài học cho bản thân mình. Bằng sự cảm thông, nên khép lại chuyện này để thầy, trò tiếp tục việc dạy và học bình thường, không nên đẩy sự việc đi xa hơn".

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng bạo lực với học sinh là điều không thể chấp nhận được. Giáo dục học sinh cần phương pháp sư phạm, để em biết sai và sửa chữa, nó thể hiện cái tầm và cái tâm của người đứng trên bục giảng.

Hơn 10 năm trong nghề, cô giáo N.T.H - giáo viên tại một trường THCS ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng đã nhiều lần cảm thấy bất lực trước học sinh cá biệt.

"Mỗi học sinh một tính cách, không phải em nào cũng giống em nào để áp dụng chung một phương pháp giáo dục. Có những học sinh cá biệt,  văng tục với cả giáo viên, tôi thông báo với phụ huynh để phối hợp giáo dục cũng không có kết quả, thậm chí còn vấp phải sự chống đối quyết liệt hơn từ phía học sinh và cả phụ huynh.

Nếu không thể kiềm chế được cảm xúc, chỉ cần một câu nói nặng lời với học sinh, không chỉ bị kỷ luật, chuyển công tác mà chúng tôi phải hứng chịu sức ép từ dư luận. Bởi vậy, để "an toàn", nhiều giáo viên chọn cách "thôi, kệ!". Tôi nghĩ rằng, cái đó còn nguy hiểm hơn rất nhiều", nữ giáo viên này tâm sự.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm