Kon Tum:
Thầy cô vùng cao góp gạo, nấu cơm ngay tại trường cho học sinh nhà xa
(Dân trí) - Thấu hiểu được hoàn cảnh đi học xa nhà của hàng chục em học sinh đồng bào Hà Lăng (huyện Đăk Glei, Kon Tum), các giáo viên trường tiểu học Thị trấn Đăk Glei đã lập bếp ăn “dã chiến” tại trường để chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày cho các em.
Chúng tôi vượt hơn 100km từ TP. Kon Tum lên huyện vùng cao Đăk Glei thì trời đã xế trưa. Từ trong ngôi trường tiểu học Thị trấn Đăk Glei, tiếng đánh vần của học sinh, tiếng giảng bài của thầy cô vẫn vang vọng cả một vùng trời. Đặc biệt, nhìn từ xa những thầy cô không có tiết dạy lại hối hả lập các bếp ăn “dã chiến” dưới cầu thang hoặc hàng lang để chuẩn bị bữa trưa cho các em học sinh đồng bào xa trường.
Được biết, trong trường tiểu học thị trấn Đăk Glei có 59 em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số Hà Lăng (ngụ tại thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, Kon Tum) có nhà ở cách trường khá xa. Ngay từ sáng sớm, bố mẹ các em đã lên rẫy sớm nên các em tự đi bộ đến trường. Học xong buổi sáng, các em lại đi bộ về nhà và tự lo ăn uống để chiều đi học. Thậm chí, nhiều em ôm bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức để đi học tiếp.
Sau tiết dạy, thầy Ninh chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Xuân Ninh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù giáo viên nhà trường đã thường xuyên đến nhà vận động, nhưng cứ đến tiết học buổi chiều thì khoảng 59 học sinh này đều vắng mặt. Sau thi tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mới biết khoảng cách từ trường đến nhà các em từ 5-7km nên khi tan học các em đi bộ về nhà rồi tự lo ăn, uống thì sẽ không kịp đến trường. Cũng vì vậy, nhiều em sợ muộn học nên nhịn bụng đói, quanh quẩn trước trường chờ tiết học buổi chiều. Từ thực tế đó, chúng tôi đã đi đến ý tưởng áp dụng mô hình “bán trú tự túc”.
“Do kinh phí hạn hẹp, nhưng vì thương học sinh nên các giáo viên nhà trường đã kêu gọi nhau cùng đóng góp gạo, thịt, trứng, mì tôm để nuôi những học trò này vào buổi trưa mỗi ngày. Sự kêu gọi của thầy hiệu trưởng đã được các giáo viên hưởng ứng. Mỗi sáng sớm đi dạy, các giáo viên ngoài mang giáo án còn kèm theo ít thịt cá, quả trứng vịt, bó rau để trưa đến lại cùng nấu ăn cho học sinh ăn lót dạ chờ buổi chiều học...”, thầy Ninh cho biết thêm.
Các em học sinh được thầy cô chuẩn bị chu đáo bữa trưa tại trường để chiều học tiếp.
Điều khiến chúng tôi cảm phục về tình cảm thầy trò vùng cao đó là khi chứng kiến những bếp ăn “dã chiến” được nhà trường bố trí ngay dưới chân cầu thang hoặc hành lang trường học. Bếp ăn chỉ rộng khoảng 5m2. Bếp không có nhiều dụng cụ, chỉ có 1 bộ bàn ghế đá, 1 bếp điện để nấu thức ăn, 1 nồi cơm điện, 1 nồi lớn dùng nấu canh, vài thứ gia vị và vài chục bộ bát đũa. Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng bếp ăn “dã chiến” này có thể phục vụ tối đa gần 60 học sinh tiểu học ở lại ăn trưa. Đầu bếp không ai khác chính là các giáo viên nhà trường.
Những giáo viên có tiết dạy thì vẫn đang say sưa giảng bài, các thầy cô còn lại như cô Thủy (Hiệu phó) vẫn đang hì hụi nấu ăn ngay tại chân cầu thang. Theo chúng tôi quan sát, bữa trưa hôm nay các thầy cô hôm nay đã góp được có 2kg thịt lợn và 3 bó rau cải. Khi đó, các thầy cô đã tự phân công nhau: người nấu cơm; người xào rau, kho thịt... Khi tiếng trống trường vừa vang lên, báo hiệu buổi học sáng kết thúc, các thầy cô đã bưng những phần ăn đã chuẩn bị sẵn lên lớp học cho các em ăn. Ngay lúc này, toàn bộ 59 học sinh thôn Long Nang đã trật tự xếp hàng nhận cơm, thức ăn rồi ăn một cách ngon lành.
Cô Thân Thị Thủy - Hiệu phó nhà trường chia sẻ: “Hôm nay, tôi và thầy Ninh xong việc sớm nên vào bếp nấu. Do chỉ có 1 bếp điện nên giáo viên phải thay phiên chế biến các món. Giữa trưa nắng nóng có hơi mệt chút nhưng thấy các em ăn ngon lành, đều đặn đến trường, giáo viên ai cũng vui. Tôi và nhiều giáo viên khác ngoài quyên góp thực phẩm, còn thường xuyên nấu vài món ngon ở nhà rồi bỏ vào cặp lồng mang lên cho các em”.
Sau khi no cái bụng từ bữa cơm thầy cô đã nấu, em Lý A Thoại đã tự tay đưa bát đũa ra thau và tự giác dọn sạch chỗ ngồi. Em Thoại tươi cười cho biết: “Nếu em về buổi trưa, bố mẹ ở trên rẫy không ai nấu cơm cho ăn, cũng không thiết đi học nữa. Giờ đi học được ăn cơm no, còn có thịt để ăn nên em thích đến trường. Có nhiều buổi sáng, em không có gì ăn, đi bộ qua mấy con dốc mới tới được trường nên rất đói”.
Sau khi lo xong cho các học sinh ăn trưa, nghỉ ngơi, thầy hiệu trưởng Trần Xuân Ninh cho biết, trường có 370 học sinh, nhưng có 59 học sinh thôn Long Nang có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường. Việc nấu ăn trưa và cho các em học sinh thôn Long Nang ở lại ngay tại trường là cách làm tự phát, làm theo tâm vì trường không thuộc diện trường học bán trú. Bếp ăn được mở vào ngay đầu năm học 2018-2019. Từ đó đến nay, bếp ăn được duy trì đều đặn. Để duy trì được bữa ăn đầy đủ và đều đặn là nhờ sự đóng góp rất lớn của các giáo viên nhà trường. Sau này, các nhà hảo tâm và phụ huynh biết đến bếp ăn này nên cũng hỗ trợ thêm. Dù khó khăn, nhà trường cũng tiếp tục kêu gọi để duy trì bếp ăn thường xuyên cho các em.
Ông A Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, nhiều em học sinh của trường hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Phụ huynh một số em do còn đi rẫy không đón các em được, nên có bếp ăn các em được ở lại trường buổi trưa, sau đó học tiếp buổi chiều. Việc nhà trường tự xây dựng bếp ăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn là việc làm có ý nghĩa.
Phạm Hoàng