Thắt lòng cảnh hai em nhỏ gào khóc khi cha mẹ đấm đá nhau

Khánh Hoài

(Dân trí) - Những di chứng, tổn thương tâm lý của bạo lực gia đình sẽ còn hằn mãi trong ký ức của mỗi đứa trẻ khi lớn lên, khó có thể lành lại.

Trên mạng xã hội đang lan truyền một video về cảnh bạo hành trong gia đình, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Mặc dù chưa tìm ra người đã đăng tải video trên nhưng qua hình ảnh trong clip, cộng đồng mạng vô cùng thương xót cho hoàn cảnh của hai em nhỏ chứng kiến sự việc.

Video hiển thị ngày quay là 11/4/2022. Trong đó, người đàn ông có thái độ tức giận, sử dụng những lời lẽ thô tục, bạo lực đối với người phụ nữ. Đỉnh điểm, hai người lao vào đánh nhau, thậm chí dùng gậy gộc, đồ vật trong nhà để hành hung đối phương.

Điều đáng nói là hành động sử dụng bạo lực của hai người lớn diễn ra ngay trước mắt hai em nhỏ.

Bất lực chứng kiến cảnh đánh nhau, hai em liên tục gào khóc gọi: "Cha mẹ ơi, cha mẹ ơi...".

Thắt lòng cảnh hai em nhỏ gào khóc khi cha mẹ đấm đá nhau - 1

Video dài chừng hơn một phút nhưng những hành động thô bạo của người đàn ông cùng sự phản kháng của người phụ nữ bằng bạo lực khiến hai đứa trẻ liên tục gào khóc "Cha mẹ ơi, cha mẹ ơi..." (Ảnh chụp màn hình).

Hai đứa trẻ thể hiện sự sợ hãi, lo sợ bằng những tiếng gào thét, giậm chân, chạy vòng quanh... Nhưng dường như, tiếng nói của con trẻ không được quan tâm tới.

Quá đau xót trước tình cảnh của hai đứa trẻ, rất nhiều người dùng mạng xã hội đã lên tiếng.

Tài khoản T.Linh bình luận: "Mẹ có thể gào thét, ba có thể đập đồ, còn chúng con chỉ có thể im lặng mang theo mảnh kí ức này suốt cuộc đời..."

Tài khoản Bùi Hạnh viết: "Thấy bản thân mình đâu đó trong hai đứa bé này, vừa xem, vừa run, vừa sợ, vừa không biết làm gì, cảm giác như nó vừa mới xảy ra với mình dù đã nhiều năm trôi qua rồi".

Phần đông người xem video đều bày tỏ sự thương cảm đối với hai đứa trẻ khi chứng kiến cảnh bạo lực trong chính căn nhà của mình, của chính những người đang nuôi nấng chúng. Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video đã thu hút 14 nghìn lượt tương tác và hơn 8 nghìn lượt bình luận cùng hàng nghìn lượt share trên một diễn đàn.

Bên cạnh việc chỉ trích hành động bạo lực của phụ huynh hai đứa trẻ, nhiều người dùng mạng xã hội cũng thẳng thắn chia sẻ câu chuyện quá khứ cũng đã từng trải qua trong chính cuộc sống của họ. Họ chính là những nhân chứng sống đã trải qua hoặc chứng kiến bạo lực gia đình. Những di chứng, những tổn thương tâm lý sẽ còn hằn mãi trong ký ức của mỗi đứa trẻ khi lớn lên, khó có thể lành lại.

"Xem xong clip, bao nhiêu ký ức ngày nhỏ ùa về như mới xảy ra ngày hôm qua. Mình cũng từng chứng kiến ba mẹ mình lớn tiếng rồi ẩu đả nhau như thế này. Không chỉ một mà rất nhiều lần. Cho đến khi mình lớn 17-18 tuổi thì cảnh tượng này vẫn diễn ra. Nó thật sự ám ảnh mình", anh Thái Trần bộc lộ.

Thắt lòng cảnh hai em nhỏ gào khóc khi cha mẹ đấm đá nhau - 2

Những ảnh hưởng tâm lý vì bạo lực gia đình có thể là nguyên nhân cho những dấu hiệu tâm lý sau này của đứa trẻ khi sống trong môi trường phải chứng kiến người mình yêu thương nhất dùng vũ lực, lời nói xúc phạm nhau nhằm làm xấu đi hình ảnh của người kia trong mắt con trẻ. Hậu quả khôn lường từ bạo lực gia đình không chỉ tác động đến cá nhân mà cả xã hội (Ảnh: iStock).

Phản ứng của người "đã từng trải qua" bạo lực gia đình

Tài khoản Anh Nhi chia sẻ: "Lúc đó, em không dám khóc to như hai em trong video, mà chỉ thút thít trong mùng, cảm giác chỉ mong được ngủ một giấc thật sâu đến sáng mai mọi chuyện trở lại như chưa có gì. Nhưng không, giờ xem lại vẫn thấy cái cảm giác đó nó vẫn ùa về như mới xảy ra".

Người dùng Phi Phụng viết: "Xem clip làm mình nhớ lại những lúc cơm không lành canh không ngọt, bát bay, đũa bay của gia đình mình. Giờ mình cũng đã đủ lớn để bảo vệ được mẹ rồi. Chỉ tội hai bé kia còn nhỏ quá!".

Quỳnh My Lê tâm sự: "Nỗi ám ảnh hồi nhỏ của mình y như vậy, giờ lớn rồi vẫn còn nhớ cái cảm giác đó, không chỉ một lần mà rất nhiều lần đã từng chứng kiến ba mẹ gây nhau rồi ẩu đả nhau như trong clip, bây giờ mình cũng đã đủ lớn để bảo vệ mẹ rồi. Xem hai đứa nhỏ gào thét trong vô vọng mà nhói lòng".

Trong khi đó, Khôi Nguyên cho hay: "Xem video thôi cũng rơm rớm nước mắt vì thấy bản thân mình qua hai em nhỏ. Nhưng may cho mình, chắc vậy, vì ba mình đã thay đổi theo hướng tốt hơn rồi."

Người dùng khác bình luận: "Xem video ước gì lúc đó tớ đủ lớn để cản ba lại không cho ba đánh mẹ, nếu được thì chắc giờ này gia đình tớ còn hạnh phúc lắm!".

Những bình luận sẻ chia về quá khứ bạo lực gia đình đều có điểm chung là hiện tại, họ đã đủ trưởng thành để nhận thức về vấn đề và bảo vệ chính bản thân, gia đình mình. Nhưng khi xem video phản ứng của hai đứa trẻ, ký ức tưởng đã phai đi theo thời gian một lần nữa được đào lên.

Bên cạnh việc hiểu và thương cảm cho những đứa trẻ khi chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau, họ phần nào cũng xúc động và thương cho chính mình trong quá khứ.

Thắt lòng cảnh hai em nhỏ gào khóc khi cha mẹ đấm đá nhau - 3

Hậu quả khôn lường từ bạo lực gia đình không chỉ tác động đến cá nhân mà cả xã hội (Ảnh: iStock).

Hậu quả kéo dài của hành vi bạo lực sẽ còn mãi

Chị Ngọc Nguyễn chia sẻ về hậu quả của bạo lực gia đình: "Xem xong mình cảm thấy sợ; sợ cho những người phụ nữ chẳng may va phải kiểu đàn ông bạo lực như thế này họ sẽ phải gánh chịu những nỗi đau về cả thể xác và tâm hồn. Sợ cho những người con sau này lớn lên mà vẫn mang trong người những mảnh ký ức xóa mãi chẳng quên".

Người dùng Hong Nhu thẳng thắn: "Sau khi xem clip, mình thực sự có suy nghĩ khác về tình yêu và gia đình. Thậm chí, mình đã từng có quyết định không muốn quen ai nữa".

Chị Dương Minh Khuê viết: "Nó sẽ ám ảnh đứa bé đến tận cuối đời. Rồi sau này khi lớn lên, ông bố sẽ phải chất vấn bản thân tại sao con mình lại ghét mình đến mức không muốn nhìn mặt".

Sự việc đang gây xôn xao trên mạng xã hội cũng là hồi chuông cảnh báo về hành vi bạo lực, không chỉ ảnh hưởng đến không chỉ hạnh phúc gia đình ở thời điểm hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai của thế hệ trẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm