Thấp thỏm vì điểm xét tuyển tăng từng ngày
Dù chưa vào cao điểm xét tuyển nhưng tình hình thí sinh rút hồ sơ sang trường khác khá nhộn nhịp.
Sáng 10-8, khoảng 1.000 thí sinh (TS) xếp hàng dài chờ nộp và rút hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nhiều TS cho biết sau nửa chặng đường xét tuyển vào trường này, TS đã cơ bản nắm được thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng để quyết định tiếp tục tham gia cuộc đua xét tuyển hay rút hồ sơ chuyển sang trường khác.
“Thứ hạng của em mỗi ngày rớt cả trăm bậc”
TS Nguyễn Thanh Nhàn có điểm thi khá cao (19,25 điểm) so với các TS cùng xét tuyển vào ngành quản trị nhà hàng và kỹ thuật chế biến nhưng vẫn lo: “Em nhà ở Bình Phước, về TP.HCM từ hai ngày nay ở nhờ nhà bà con. Em quyết định thay đổi nguyện vọng sang ngành ngôn ngữ Anh vì hy vọng cao hơn”.
Cũng tâm trạng bất an, TS Đặng Chí Cường cho biết: “Điểm thi của em là 18, nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên, sau khi hai lần trường cập nhật dữ liệu thì điểm xét tuyển ngành này đẩy lên 18,75 nên em phải rút ra để nộp vào Trường ĐH Trần Đại Nghĩa”. Cường cho hay số TS nộp vào ngành này có điểm dao động 19-20 điểm, trong khi chỉ tiêu là 450 nhưng đến thời điểm này số hồ sơ nộp vào đã gần đầy.
Tương tự, TS Lê Trọng Nghĩa cho biết điểm thi của em là 17,25, xét tuyển vào ngành kỹ thuật điện - điện tử. Chỉ tiêu của ngành này là 550, trong khi đó điểm của Nghĩa nằm trong tốp 600 nên tự động rút để tìm đường sang trường khác. “Gần như ngày nào em cũng vào website của trường để xem vị trí của mình nằm ở thứ hạng nào. Cứ mỗi lần kiểm tra thấy thứ hạng của mình tụt vài chục, thậm chí cả trăm bậc” - Nghĩa nói.
Thí sinh rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp sáng 10-8. Ảnh: P.ĐIỀN
Dự kiến điểm xét tuyển sẽ cao lên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: Cuộc đua xét tuyển vào trường đã lộ dần các thứ hạng khá rõ ràng. Theo ông Minh, ngay từ đầu tuần số TS rút hồ sơ khá đông. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ tiêu khá cao như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học đến thời điểm này vẫn chưa đủ chỉ tiêu. “Dự kiến những ngày tới sẽ có một lượng TS khá dồi dào từ ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa có cùng nhóm ngành do thấy không an toàn sẽ đổ dồn về đây, sẽ đẩy điểm xét tuyển lên cao hơn do số TS này có điểm từ 20 trở lên” - ông Minh cho biết.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 5.300, tính đến ngày 10-8, trường đã nhận gần 4.000 hồ sơ xét tuyển. Dự kiến cuối tuần này số TS nộp vào sẽ tăng lên và bình quân mỗi ngày cũng có hàng chục TS rút hồ sơ do điểm thi thấp hơn các TS khác.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết đến nay số hồ sơ nộp vào trên 5.000, chưa phải là cao lắm, số hồ sơ nộp qua đường bưu điện cũng còn ít, có thể TS ở xa đang theo dõi thứ hạng điểm nên chưa vội nộp. “Dự kiến thời điểm gay cấn nộp hồ sơ xét tuyển diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, lúc này mới thực sự diễn ra cuộc đua xét tuyển” - ông Thanh dự báo.
Theo ông Thanh, thông thường vào giai đoạn cuối cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ có khoảng 3.000 TS có phổ điểm khá cao 20-23 từ các trường ĐH tốp trên như Bách khoa TP.HCM, Y Dược TP.HCM dịch chuyển sang ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Cũng trong giai đoạn nước rút này sẽ có hơn 1.000 hồ sơ nộp qua đường bưu điện đẩy cuộc đua xét tuyển lên cao trào gay gắt hơn.
Việc rút hồ sơ còn phiền hà
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận có sự không công bằng với TS ở xa vì yêu cầu khi rút hồ sơ TS phải trực tiếp có mặt hoặc ủy quyền cho người khác, tuy nhiên không phải TS nào cũng có người thân để ủy quyền. Mặt khác, cách xét tuyển năm nay nói là cập nhật phần mềm, đăng ký trực tuyến nhưng đây vẫn là cách làm thủ công, chưa thuận lợi lắm cho TS. “Vì khi làm các thủ tục, TS phải có mặt chứ không phải chỉ cần ở xa kích hoạt qua tài khoản như chơi chứng khoán” - ông Thanh nói.
Theo Pháp luật TP.HCM