Thành lập Viện Trần Nhân Tông

(Dân trí) - Sáng ngày 22/2, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông.


Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học

Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học

Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg, ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học, trước mắt là bậc tiến sĩ.

Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Kim Sơn kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Theo Quyết định thành lập, Viện Trần Nhân Tông được quy định là viện nghiên cứu khoa học, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc ĐHQGHN, tổ chức và hoạt động theo loại hình tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; trụ sở đặt tại Tp. Hà Nội.

Sứ mệnh của Viện Trần Nhân Tông là tiên phong, nòng cốt trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tư tưởng và bản sắc dân tộc, di sản tinh thần Trần Nhân Tông văn hóa đời Trần và văn hóa truyền thống nói chung; là trung tâm giao lưu, tập hợp nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông trên khắp thế giới để phát triển bền vững.

Giám đốc ĐH QGHN kiêm Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc thành lập Viện Trần Nhân Tông có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động học thuật nói chung và đối với công tác đào tạo, nghiên cứu Phật giáo nói riêng, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

Viện có nhiều đặc thù, lấy đối tượng nghiên cứu là văn hóa truyền thống và điểm nhấn là lịch sử và văn hóa đời Trần, đặc biệt là nhân vật Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Đối tượng nghiên cứu liên ngành cần có sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực và điều kiện để tổ chức nghiên cứu qui mô và tổ chức đào tạo.

Dự kiến khóa đào tạo Tiến sĩ Phật học đầu tiên của Việt Nam sẽ tuyển sinh vào tháng 09/2017.

Đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ Phật học sẽ được thiết kế dựa theo thông lệ đào tạo tiến sĩ Phật học trên thế giới, chú ý tới đặc điểm Phật giáo Việt Nam, Trúc Lâm và tư tưởng Trần Nhân Tông.

Các đề tài, luận án sẽ ưu tiên nghiên cứu giải quyết các vấn đề của Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam và các vấn đề Phật giáo và xã hội, con người đương đại. Tiến sĩ Phật học cũng cần có những trải nghiệm thực tế bên cạnh những nghiên cứu sâu về lí thuyết: những vấn đề đặt ra trong quản lí tôn giáo, chùa chiền, lễ hội; năng lực cần có của những người đi thuyết pháp và việc sử dụng công nghệ hiện đại trong việc thể hiện những điểm mới, tiên tiến trong đào tạo của ĐHQGHN.

Hồng Hạnh