Thanh Hóa xuất hiện băng tuyết, học sinh nghỉ học
(Dân trí) - Trước diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại, nhiều địa phương ở Thanh Hóa xuất hiện băng giá, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn về chủ động phòng, tránh với thời tiết xấu đối với học sinh trên địa bàn.
Băng tuyết đã xuất hiện ở miền núi Thanh Hóa. (Ảnh: Duy Tuyên)
Ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD-ĐT huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: “Chúng tôi đang làm văn bản gấp để gửi cho các đơn vị trường học, nếu căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như quy định của Bộ GD-ĐT cho các em nghỉ. Bởi vì với thời tiết rét thế này các em cũng không học được. Căn cứ thực tế Phòng triển khai cho các đơn vị chủ động chứ không đợi”.
Được biết, trên địa bàn huyện Mường Lát có 4.397 học sinh Tiểu học và gần 3.000 học sinh Mầm non. Qua theo dõi thời tiết thì các đơn vị, trường học và các bậc phụ huynh chủ động nắm bắt để cho học sinh nghỉ học tránh rét. Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay trong ngày 23/1, thực hiện công điện của Bộ GD-ĐT, Sở đã có công văn gửi các đơn vị trường học và phòng GD-ĐT trên địa bàn toàn tỉnh chủ động trong việc phòng, chống rét.
Trong ngày 24/1, tại nhiều khu vực miền Tây Thanh Hóa như: Bản Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước), bản Sài Khao (xã Mường Lý) và khu vực xã Nhi Sơn, huyện vùng cao Mường Lát… đã xuất hiện băng tuyết. Dự báo trong vài ngày tới, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ở mức dưới 10 độ C.
Theo thông báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết ở các tỉnh Bắc Trung bộ từ ngày 23 - 27/1 xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng, vùng núi có khả năng xảy ra băng giá và tuyết.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông báo đến cán bộ, giáo viên, học sinh về đợt rét đậm, rét hại đã và đang diễn ra trên địa bàn để có kế hoạch phòng, chống. Trong đó cần quan tâm đến việc học sinh đi học phải ăn, mặc đủ ấm; đảm bảo an toàn giao thông, đề phòng các rủi ro xảy ra. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó.
Trong trường hợp cần thiết cho học sinh nghỉ học, cụ thể: từ 10 độ C trở xuống cho học sinh Mầm non, Tiểu học nghỉ học; từ dưới 7 độ C cho học sinh THCS và THPT nghỉ học. Đồng thời rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại đơn vị để có giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường, cây xanh, khuôn viên trường học và đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh.
Đặc biệt quan tâm tới các trường học khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung trên. Trong khi thực hiện nếu có trường hợp đặc biệt xảy ra thì báo cáo ngay với chính quyền địa phương, đơn vị chủ quản và Sở GD-ĐT để kịp thời giải quyết.
Nghệ An: Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh rét
Nhiệt độ xuống ở mức -3 đến -2 độ C, học sinh Trường Tiểu học Mường Lống 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An được thông báo nghỉ học trong ngày 25/1. (Ảnh: Hoàng Lam)
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ ở Nghệ An xuống thấp, xuất hiện tình trạng băng giá ở một số khu vực miền núi cao. Trước tình hình đó, ngày 24/1, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có chỉ đạo cho Phòng GD-ĐT các huyện xem xét tình hình thực tế để thông báo cho học sinh nghỉ học.
Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu Phòng GD-ĐT các huyện thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết lúc 6h20, 12h20, 19h45 hàng ngày của Đài truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An để cập nhật thời tiết. Trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C sẽ cho học sinh mầm non và học sinh tiểu học nghỉ học. Nếu nhiệt độ xuống dưới 7 độ C, học sinh THPT và THCS sẽ nghỉ học. Các trường cần phải thông báo cho học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh học bù để đảm bảo chương trình theo quy định.
Chiều tối ngày 24/1, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: tính đến thời điểm này học sinh tiểu học và mầm non của Thành phố Vinh và huyện Tân Kỳ, huyện Con Cuông đã có thông báo để học sinh nghỉ học vào sáng thứ 2 (25/1). Các trường mầm non, tiểu học, THCS Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn (Kỳ Sơn) do nhiệt độ đã xuống dưới 2 độ C nên tất cả học sinh đã được thông báo nghỉ học.
Các trường khác thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn… sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để thông báo với phụ huynh về việc cho học sinh nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 10 độ C.
Hà Tĩnh: Ngành giáo dục ra công văn “khẩn” đối phó với giá rét
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống đến 7 độ C. Để đối phó đợt rét này, ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã ra công văn “khẩn” Số: 95/SGDĐT-VP gửi đến các phòng ban trong toàn ngành.
Trong công văn “khẩn” được gửi đi vào ngày 24/1 có nêu rõ: “Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh rất mạnh, từ ngày 22/1/2016, toàn bộ khu vực biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió Đông bắc mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 23-27/1 xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng, vùng núi có khả năng xảy ra băng giá và mưa tuyết.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và cán bộ giáo viên, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó; trường hợp cần thiết cho học sinh nghỉ học thì báo cáo lãnh đạo UBND cấp huyện và chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc nghỉ rét. Cho phép học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống, cho phép học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống.
Công văn nêu rõ các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương sẵn sàng để ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường. Tổ chức rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường học để có giải pháp phù hợp bảo vệ cây xanh, rau xanh, khuôn viên trường học,.. và đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Đặc biệt quan tâm tới các trường mầm non ở miền núi, vùng ven biển, khu vực phụ huynh học sinh còn có kinh tế khó khăn.
Không tổ chức các hoạt động tập trung ngoài trời, giáo viên phải nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm và phải nhắc nhở phụ huynh học sinh cho con em mình mặc đủ ấm trước khi đến trường, nhà trường thông báo rõ cho phụ huynh biết và thực hiện không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét.
Bố trí trực để hoạt động hành chính của trường diễn ra bình thường trong những ngày nghỉ rét, nếu học sinh vẫn đến trường thì phải bố trí học sinh tập trung về một phòng để giữ ấm và và quản lí cho đến khi phụ huynh đến tận nơi đón về (tuyệt đối không để xảy ra tai nạn trong trường vì nguyên nhân giá rét, không được để học sinh đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét).
Nhân viên Y tế trường học chuẩn bị đủ các loại thuốc chữa bệnh thông thường, sơ cấp cứu kịp thời khi có tình huống ốm đau. Tăng cường truyền thông hướng dẫn chống rét, hướng dẫn cách đảm bảo an toàn khi sưởi bằng than củi, lò sưởi điện, cách chăm sóc, chống rét cho vật nuôi, cây trồng.
Được biết tại địa bàn Hà Tĩnh vào ngày 24/1, nhiệt độ ngoài trời đang xuống dưới 10 độ C lại có mưa lớn nên tình trạng rét đậm, rét hại đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và kéo dài. Thực hiện công văn của ngành, một số trường học trên địa bàn huyện Đức Thọ và huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã thông báo cho học sinh nghỉ học ở nhà trú rét.
Nhóm PV