Thanh Hóa: Kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm dạy thêm

(Dân trí) - Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định tại các nhà trường...là những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đặt ra đối với ngành Giáo dục Thanh Hóa trong năm học 2018 - 2019.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2018 - 2019.

Theo đó, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; tập trung phát triển trường, lớp Mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào

Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Đối với giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo...

Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Theo đó, phát triển các chương trình đào tạo đại học theo hướng tiệm cận với chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan xây dựng một số ngành đào tạo trình độ đại học chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm...

Một trong các giải pháp cơ bản được đưa ra là cần quan tâm giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định tại các nhà trường.

Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định.

Công khai minh bạch các khoản nhà trường được phép thu và không được phép thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và các quy định hiện hành của pháp luật.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về thu, chi học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục; phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sai phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã cũng như Giám đốc Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm trực tiếp trong thực hiện các nội dung thu, chi đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Việc đóng góp của phụ huynh học sinh để chung tay xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nâng cao chất lượng giáo dục cho chính con em mình là cần thiết nhưng không bắt buộc. Các trường không được tùy tiện quy định các khoản thu này.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm