Thanh Hóa: Còn gần 9.000 giáo viên mầm non diện hợp đồng
(Dân trí) - Hiện nay, trong số gần 20 nghìn giáo viên, nhân viên bậc học Mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì có đến gần một nửa đang là hợp đồng. Giáo viên hợp đồng chưa được hưởng theo ngạch bậc nên chưa thực sự yên tâm trong công tác, phần nào ảnh hưởng chất lượng công việc.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, địa phương này hiện có 681 trường, trong đó 653 trường công lập, 28 trường tư thục; 9.121 nhóm, lớp (tăng 9 trường và tăng 182 nhóm, lớp so với năm học trước).
Năm học 2018 - 2019 có 8 trường mầm non tư thục được thành lập mới. Số trẻ đến trường là 231.471/338.664 trẻ, đạt tỷ lệ 68,3% so với trẻ trong độ tuổi.
Hiện có 669 trường tổ chức ăn bán trú cho 215.670 cháu. Qua theo dõi, tỷ lệ trẻ duy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân còn 4,1% (giảm 1,7% so với đầu năm), tỷ lệ trẻ SDD thể thấp còi còn 4,1% (giảm 1,8%), tỷ lệ trẻ SDD gầy còm 0,35% (giảm 0,15%), tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì 0,37% (giảm 0,05% so với đầu năm).
Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của bậc học Mầm non toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 19.758 người, tăng 692 người so với năm học trước.
Trong đó, biên chế 10.847 người; hợp đồng theo Nghị định 06/2018 là 3.752 người; hợp đồng huyện là 246 người; hợp đồng trường là 4.850 người.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, mức lương giáo viên hợp đồng lao động thấp nhất là 2,5 triệu đồng/tháng, cao nhất là 7 triệu đồng/tháng.
Giáo viên hợp đồng chưa được hưởng theo ngạch bậc nên chưa thực sự yên tâm trong công tác, phần nào ảnh hưởng chất lượng công việc.
Bên cạnh đó, nhân viên kế toán, y tế đa số là giáo viên phải kiêm nhiệm; giáo viên, nhân viên nấu ăn còn thiếu nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, quản lý của các nhà trường.
Định biên giáo viên trên các nhóm, lớp còn thấp chưa đáp ứng theo Thông tư 06/2015 nên cường độ lao động đối với giáo viên Mầm non quá vất vả. Nhiều đơn vị thiếu giáo viên Mầm non.
Chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho việc thuê mướn nhân viên, mỗi nơi có cách làm riêng, gây nhiều khó khăn cho các nhà trường trong công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực để bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non sau chỉnh sửa cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên; triển khai bồi dưỡng kỹ năng thực hành trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và thực hiện chuyên đề xây dựng trường Mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” có chất lượng.
Kết thúc năm học 2018 - 2019, không có cán bộ giáo viên nào vi phạm đạo đức nhà giáo, không vi phạm điều lệ trường Mầm non.
Trong năm học 2018 - 2019, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục Mầm non, với tổng kinh phí làm công tác xã hội hóa là hơn 49 tỷ đồng; các nguồn khác gần 113 tỷ đồng...
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như mạng lưới trường lớp ở một số đơn vị vẫn chưa quan tâm quy hoạch, số điểm lẻ ở các trường Mầm non vẫn còn nhiều, nhất là các huyện miền núi cao đặc biệt khó khăn.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, nên chưa đáp ứng hết nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, đặc biệt là khu vực miền núi và nông thôn. Kinh phí chương trình mục tiêu đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu nhất là đối với giáo dục Mầm non còn rất khó khăn.
Địa bàn rộng, đa số là nông nghiệp nên nguồn ngân sách của các địa phương và nguồn thu nhập của người dân thấp, do đó việc đầu tư nguồn kinh phí trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các trường Mầm non còn hạn chế...
Duy Tuyên