Thăng Long - Hà Nội trong tâm hồn nhà toán học tài danh
20 năm sống và làm việc ở nước ngoài, người con Thăng Long-Hà Nội ấy vẫn giữ bên mình tấm hộ chiếu phổ thông nước CHXHCN Việt Nam. Gần đây, Nhà nước ta đặc cách cho một số công dân giữ hai quốc tịch, Ngô Bảo Châu lấy thêm quốc tịch Pháp để tiện cho việc đi lại...
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, dưới mưa bom trải thảm của pháo đài bay B-52. Đầu năm ấy, cha anh, tiến sĩ cơ học Ngô Huy Cẩn, chấp hành lệnh động viên cục bộ, lên đường ra tuyến lửa Quảng Trị. Đồng lương tiến sĩ dù còn ít ỏi, nhưng cũng được 73 đồng, chứ sau khi tòng quân, làm “lính năm đồng”, nhận tiền phụ cấp tiêu vặt của chàng binh nhì mỗi tháng 5 đồng bạc ngân hàng, thì chẳng còn dành dụm được gì để gửi về giúp vợ đang “vượt cạn” ở nơi sơ tán!
Chẳng bao lâu sau, hòa bình được lập lại trên miền bắc. Nhưng sổ gạo, tem thịt, tem sữa, tem đường vẫn còn đó. Mẹ anh, Trần Lưu Vân Hiền, vất vả nuôi anh trong ngặt nghèo túng thiếu. Những nhọc nhằn vất vả của mẹ, cha khiến Châu suốt đời nuôi chí phải học chăm, học giỏi, không chịu thua kém bất cứ ai ở bất cứ nơi nào. Nỗi “bất hạnh” trong thơ ấu và niên thiếu đôi khi lại trở thành “ngọn lửa thử vàng”, tôi luyện con người trở nên cứng cáp hơn... Ngược lại, cuộc sống trong “nuông chiều nhung lụa” lắm lúc lại dễ sinh ra những chàng “công tử bột”, những cô “tiểu thư cây cảnh” chỉ quen ỷ lại, dựa dẫm, không chịu đựng nổi những thử thách, khó khăn...
Đã nhiều năm xa nước, nhưng anh Châu vẫn luôn nhớ về những hàng me xanh, sấu biếc, phượng đỏ, hòe vàng nơi phố hè Hà Nội, nhớ về mái trường xưa. Trường cấp II Trưng Vương thân yêu ấy nhỏ bé nép mình nơi góc phố Hàng Bài - Lý Thường Kiệt đông nghịt xe đạp những buổi tan trường. Rồi Khối trung học phổ thông chuyên toán - tin lụp xụp ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội bên đường Nguyễn Trãi, luôn nghe văng vẳng leng keng tiếng chuông xe điện đổ hồi trên tuyến Bờ Hồ - Hà Đông.
Anh luôn tỏ lòng biết ơn các thầy giáo dạy toán đã truyền cho anh niềm say mê toán học như các thầy Phạm Ngọc Hùng, Tôn Thân, Lê Tuấn Hoa, Vũ Đình Hòa, Đỗ Đức Thái, Phạm Hùng... Anh cũng biết ơn các cô giáo dạy văn như cô Phương, cô Trịnh Bích Ba, cô Đặng Thanh Hoa... đã dạy cho anh “môn học khó nhất là môn học… làm người”.
Vượt qua bao nỗi phiền hà...
“Uồng nước nhớ nguồn” chính là lý do sâu kín khiến anh luôn giữ lại bên mình cuốn hộ chiếu xanh, cuốn hộ chiếu phổ thông mang quốc huy nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cho dù nó có gây cho anh bao chuyện phiền hà!
Nhớ lại chuyện sáu năm về trước.
Từ ngày 13 đến 16/10/2004, GS Ngô Bảo Châu và GS Gérard Laumon dự Hội nghị các dạng tự đẳng cấu và công thức vết tại Viện Fields ở Canada. Anh Châu được mời thay mặt hai tác giả trình bày báo cáo tại phiên họp toàn thể - một vinh dự lớn - về công trình dày 100 trang khổ A4 mà anh và G. Laumon vừa công bố trước đó bằng tiếng Pháp trên Internet: Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita. Công thức vết (trace formula) là một trong những kỹ thuật quan trọng nhất để “công phá” nhiều giả thuyết chính trong Chương trình Langlands (Langlands Program), một lược đồ toán học được nhiều bộ óc lớn trên thế giới dồn sức thực hiện từng bước, do Robert Langlands ở Viện Nghiên cứu tiên tiến Princeton (Mỹ) đưa ra. Laurent Lafforgue, một người cùng nhóm nghiên cứu với Ngô Bảo Châu, thu được nhiều kết quả nổi bật trong việc sử dụng công thức vết, nhờ vậy, được tặng Giải thưởng Nghiên cứu Clay ở Cambridge (Mỹ) năm 2000 và, sau đó, nhận Huy chương Fields năm 2002 tại Đại họi Toán học thế giới ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Như nhiều người đã biết, không có Giải thưởng Nobel (Nobel Prize) dành cho toán học (do di chúc của Alfred Nobel không ghi điều ấy). Vì thế, giới toán học thế giới năm 1936 lập một giải thưởng khác mang lại vinh dự tương đương, dành riêng cho ngành toán, mang tên nhà toán học Canada John Charles Fields, gọi là Huy chương Fields (Fields Medal) để tặng cho những nhà toán học kiệt xuất dưới 40 tuổi.
L. Lafforgue, nhà toán học được tặng Huy chương Fields, là một người bạn rất thân của Ngô Bảo Châu, đã từng cùng anh Châu dạo khắp phố hè Hà Nội, đi thăm nhiều nơi ở Việt Nam và trú lại nhiều ngày hè trong ngôi nhà xuềnh xoàng của bố mẹ anh Châu dạo còn ở khu Mai Động (Hà Nội).
Những kết quả của V. Drinfeld và L. Lafforgue tiến tới thiết lập cái mà ngày nay gọi là bổ đề cơ bản (fundamental lemma), trở ngại chính mà nếu giải quyết được - dù chỉ ở một số trường hợp đặc biệt - cũng có thể dẫn đến những kết quả đột phá trong lý thuyết các dạng tự đẳng cấu (theory of automorphic forms). Bổ đề cơ bản là vấn đề mấu chốt trong Chương trình Langlands. Chương trình này có mục đích tầm xa là thống nhất lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn. Công trình của Ngô Bảo Châu và Gérard Laumon giải quyết được một phần vấn đề mấu chốt đó, cho nên, ngay lập tức, được giới toán học thế giới đặc biệt chú ý. Chính Andrew Wiles, người đã chứng minh được Định lý cuối cùng của Fermat, và một số nhà toán học được tặng Huy chương Fields đã đề nghị Viện Toán học Clay tặng G. Laumon và Ngô Bảo Châu Giải thưởng Nghiên cứu Clay (Clay Research Award).
Anh Châu nhận được thư điện tử của ông Jim Carlson, Chủ tịch Viện Toán học Clay, mời đến Cambridge dự lễ trao giải thưởng vào ngày 5/11/2004. Thời gian quá gấp!
Sau khi kết thúc hội nghị ở Viện Fields, anh Châu trở về vùng Plaiseau, xanh ngắt những đồi thông, mênh mông những cánh đồng đại mạch ở ngoại thành Paris, nơi anh sống cùng vợ - chị Nguyễn Bảo Thanh, người bạn gái cùng lớp từ thời còn học cấp II chuyên toán Trưng Vương - và ba cô con gái nhỏ. Hộ chiếu sắp hết hạn. Anh phải đến ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Paris để xin gia hạn, điều này không khó. Nhưng rồi, sau đó, liệu có còn đủ thời gian để xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ không? Mấy năm gần đây, do quá lo sợ khủng bố, việc xét cấp thị thực cho người dân các nước Á, Phi mang hộ chiếu phổ thông vào Mỹ thường kéo dài. Mặc dù gặp nhiều trở ngại trong giao lưu quốc tế, cho đến nay, người con của Thăng Long - Hà Nội ấy vẫn giữ quốc tịch Cộng hòa XHCN Việt Nam và, mỗi năm, vẫn về nước vài ba tháng, làm việc tại Viện Toán học, với tư cách giáo sư kiêm chức, để giúp đỡ các bạn trẻ trong nước bằng cách đọc bài giảng chuyên đề hay hướng dẫn nghiên cứu sinh.
“Đơn thương độc mã” giải quyết trọn vẹn bài toán hóc búa về Bổ đề cơ bản
Chỉ mấy tháng sau khi G. Laumon và Ngô Bảo Châu được tặng Giải thưởng Clay ở Mỹ, GS G. Laumon được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Dư luận trong nước có phần băn khoăn: Không rõ trong công trình chung của hai người, phần đóng góp của Ngô Bảo Châu đến đâu? Thật ra, trong “công trình tập thể” đó, anh Châu đã giải quyết được điểm mấu chốt khi về nghỉ hè tại Hà Nội, sau đó, kết hợp với một số kết quả mà G. Laumon (thầy anh) đạt được trước đấy, để viết thành một công trình lớn, rồi công bố nhanh trên mạng Internet và lập tức gây tiếng vang rộng lớn.
Và rồi, với tư cách Giáo sư Đại học Orsay, Ngô Bảo Châu một mình tiếp tục nghiên cứu nhằm giải quyết trọn vẹn Bổ đề cơ bản, theo phỏng đoán của Langlands và Shelstad. Công trình mới “sáng chói” của anh một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Với kết quả mới, Ngô Bảo Châu được tặng Giải thưởng Oberwolfach Prize - giải thưởng ba năm tặng một lần, cho một hoặc hai nhà toán học đặc biệt xuất sắc dưới 36 tuổi ở châu Âu. Giải thưởng Oberwolfach năm 2007 dành cho môn đại số và lý thuyết số. Và nhà toán học duy nhất được tặng là Ngô Bảo Châu. Tuy là giải thưởng năm 2007, nhưng sang năm 2008, mới làm lễ trao giải tại Đức. Đọc diễn văn ca ngợi (laudatory speech) tại buổi lễ, GS Rapoport đánh giá công trình của nhà toán học mang quốc tịch Việt Nam, làm việc tại Đại học Orsay, là một “thành tựu sáng chỏi”. Công trình đó được ví như một toà kiến trúc hoành tráng và hài hoà…
Công trình hoàn chỉnh của Ngô Bảo Châu được các nhà toán học nhiều nước kiểm tra kỹ lưỡng và công nhận vào năm 2009. Chính vì vậy, tạp chí Time (Mỹ) mới xếp công trình của anh vào nhóm 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới trong năm 2009, bên cạnh những khám phá lớn khác như: tìm thấy người Ardi, tổ tiên cổ nhất của loài người sống cách đây 4,4 triệu năm; lập bản đồ chi tiết về bộ gen người; phát hiện nước trên Mặt trăng; Máy gia tốc hadron lớn ở Geneva (Thuỵ Sĩ) tạo năng lượng kỷ ệuc; bước đầu thực hiện thành công viễn tải lượng tử (teleportation)... Trong số 10 khám phá khoa học nổi bật nói trên, nếu tìm hiểu kỹ, ta sẽ thấy có tới 9 khám phá là công trình tập thể của rất nhiều nhà bác học và kỹ sư, chỉ riêng khám phá của anh Châu là công trình của một cá nhân.
Biết tiếng anh, Viện Nghiên cứu tiên tiến Princeton “rước” sang làm việc dài hạn tại Mỹ. Và rồi, từ đầu tháng 9-2010, anh nhận lời mời của Đại học Chicago chuyển đến trường này giảng dạy và nghiên cứu, với mức lương cao ngất ngưởng… 300.000 USD/năm!
Như vậy là giới toán học các nước phát triển nhất, trên hai bờ Đại Tây Dương, đã nhất trí vinh danh tài năng toán học trẻ Việt Nam Ngô Bảo Châu - người mà thời trung học, đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế.
Ngay từ khi anh Châu giành Giải thưởng Oberwolfach, GS Hoàng Tụy, nhà toán học lỗi lạc lão thành; GS.TSKH. Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba; cũng như GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, đã dự đoán Ngô Bảo Châu sẽ được tặng Huy chương Fields - vinh dự quốc tế cao nhất trong toán học, tương đương Giải thưởng Nobel trong vật lý, hoá học, sinh học… GS Trung cho rằng công trình của GS Châu về bổ đề cơ bản là một quả “bom tấn” trong toán học.
Còn GS, TSKH Nguyễn Tiến Dũng, một tài năng toán học xuất chúng, năm 14 tuổi rưỡi đã đoạt huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế tại Phần Lan, hiện làm việc tại Đại học Toulouse (Pháp) thì nhận xét: “Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Nam đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS Ngô Bảo Châu”.