Quảng Nam:
Thăm làng khuyến học Thanh Quýt
(Dân trí) - Làng khuyến học Thanh Quýt (thuộc xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nổi tiếng không chỉ vì đang sở hữu 5 di tích văn hóa lịch sử mà còn được mệnh danh là làng khuyến học khi có cả ngàn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, cử nhân…
“Nhứt làng, nhứt xã”
Làng Thanh Quýt vốn thuộc xã Thanh Trường. Từ 1975, đổi thành xã Điện Thắng. Từ cuối thập niên 1990, Điện Thắng tách thành 3 xã Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam và Điện Thắng Bắc, trong đó làng Thanh Quýt nằm gọn trong xã mới Điện Thắng Trung. Các nhà xã hội học gọi hiện tượng này là “nhứt làng, nhứt xã”, một hình thái đặc trưng với nhiều thuận lợi về về văn hóa, truyền thống xã hội, thuần phong mỹ tục.
Chính với thuận lợi đó, nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của xã mới đã phát triển mạnh mẽ từ sự đồng thuận cao của người dân. Nổi bậc nhất là công tác xây dựng thiết chế văn hóa và khuyến học khuyến tài.
Làng Thanh Quýt có thôn, 7 tộc họ làm khuyến học, tiêu biểu là 3 tộc Trương Công, Nguyễn Hữu, Lê Tự; trong đó điển hình nhất phải kể đến tộc Trương Công.
Đình làng, nhà thờ tộc trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khuyến học mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Khi xưa, các tộc họ đã dựng lên ngôi đình bằng tre ba gian hai chái tại xóm Chay. Đến cuối thế kỷ 18 do chiến tranh, đình làng bị cháy nên việc thờ cúng các bậc tiền hiền được chuyển về nhà thờ mỗi họ tộc. Đến năm 1928, ngôi đình lại được phục dựng ngay tại vị trí cũ bằng vôi gạch.
Tương truyền, khi tiến hành xây đình, các trưởng nam, chức sắc của 7 tộc họ cùng các vị bô lão trong làng ăn chay nằm đất suốt 7 ngày đêm để dựng đình. Ngày xây đình, các vị bô lão 7 tộc họ quyết định mỗi tộc họ tìm một cây chim trồng trong sân đình để nhắc nhở con cháu không quên tri ân tổ tiên đã chọn nơi đây để hậu thế sinh sôi, phát triển. Ngôi đình đã đi cùng những thăng trầm của làng suốt hơn 500 năm qua.
Đặc biệt nhất hiện nay ở Thanh Quýt là làng có nhiều di tích lịch sử nhất tỉnh với 5 di tích, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia là lăng mộ của Lưỡng bộ Thượng Thư Trương Công Hy (1727-1800) người từng làm quan dưới cả hai thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn, là thầy của Nguyễn Phúc Dương. Ông được người dân Điện Bàn tôn kính về tài năng, sự thanh liêm và lòng thương dân. Ngoài ra, ở đây còn có 4 di tích cấp Tỉnh.
Làng khuyến học, khuyến tài
Sau khi đình làng được phục dựng khang trang vào năm 2007, đều đặn vào mùng 4 tết Nguyên Đán hàng năm, tại đình làng đều tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho những học sinh, tân sinh viên xuất sắc đỗ vào các trường đại học.
Năm 2015, làng đã xét công nhận 1.080 gia đình đạt gia đình hiếu học, 5 tộc họ đạt dòng họ hiếu học và phong trào khuyến học ngày càng được chú trọng với sự chung tay, góp sức của nhiều người.
Theo thống kê sơ bộ của các tộc họ như Trương Công, Nguyễn Hữu, Lê Tự, Nguyễn Bá... trong làng đã có cả ngàn giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân công tác trong và ngoài nước.
Hội khuyến học của làng được thành lập hơn 20 năm, từ khi đi vào hoạt động đã có nhiều thành tích đáng kể, hằng năm tuyên dương khen thưởng, gặp gỡ động viên cho con em học giỏi, xuất sắc trong các tộc họ.
Mỗi năm, từng tộc đã có hàng trăm học sinh giỏi các cấp, 10-15 bạn trẻ đậu vào ĐH, CĐ hay đạt huy chương trong các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố, Olympic...
Có một điều đặc biệt tại Thanh Quýt là con cháu học nghề thuốc rất đông. Thống kê sơ bộ của tộc Nguyễn Hữu có hơn 60 nha sĩ, bác sĩ, gần trăm y tá là con cháu của tộc họ làm việc tại hầu hết các bệnh viện trong và ngoài nước. Các tộc họ khác như Trương Công, Lê Tự... nhà nào cũng đóng góp hơn 20 bác sĩ, dược sĩ, vài chục y tá.
Trong làng còn có Thượng thư Trương Công Hy, TS văn học Trương Công Cừu, TS toán học Lê Tự Quốc Thắng...
Tiêu biểu trong các họ tộc khuyến học làng Thanh Quýt không thể không nhắc đến tộc Trương Công. Ngài tiền hiền tộc Trương Công Thanh Quýt vào nam trong thời kỳ chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Quảng Nam (1570-1593). Đến nay đã phát triển đến đời thứ 17, gồm 3 phái (6 chi).
Là họ tộc đi đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài bên cạnh các tộc họ khác. Tộc Trương Công đã có những đóng góp lớn trong xây dựng hội khuyến học, thúc đẩy con cháu hiếu học, động viên con cháu ra lớp, giúp đỡ học sinh nghèo, chung tay cùng với nền giáo dục xã nhà nâng cao chất lượng dạy và học đối với các trường trên địa bàn xã nhà. Bên cạnh đó, tộc còn tạo điều kiện mua xe đạp cho con em gia đình khó khăn có phương tiện đến trường.
Chủ tịch hội khuyến học làng Thanh Quýt - ông Lê Tự Hưng nhận xét: “Làng Thanh Quýt có tinh thần khuyến học cao, xác định được việc học làm nền tảng quý của bản thân, gia đình và xã hội. Chính quyền địa phương, dòng tộc rất quan tâm đến việc học của con em. Hằng năm, làng phối hợp cùng địa phương, Hội Khuyến học tổ chức phát thưởng, vinh danh các em có học vị cao tại đình làng Thanh Quýt”.
N.Linh-C.Bính