Tham gia kiểm định quốc tế là nền tảng thu hút hợp tác giáo dục xuyên quốc gia
(Dân trí) - Đó là quan điểm của bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam ở Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh - Việt Nam (ThinkTNE) 2023.
Khẳng định được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thu hút hợp tác quốc tế, tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Đại học Vương quốc Anh - Việt Nam (ThinkTNE) là sự kiện nằm trong chương trình UK/Viet Nam Season 2023 do Hội đồng Anh tổ chức, nhằm kỷ niệm 50 năm Vương quốc Anh và Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục và những chuyên gia đã điểm lại các dấu ấn, thành tựu nổi bật trong quá trình hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia. Từ đó cho thấy ưu tiên của hai bên trong việc phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo nên lợi thế cạnh tranh quốc gia và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Là người đứng đầu Hội đồng Anh tại Việt Nam - đơn vị tiên phong thúc đẩy giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE), bà Donna McGowan chỉ ra hai chiều tác động song song của TNE. Một mặt, TNE giúp cho sinh viên Việt Nam nâng cao kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng việc làm và tiếp cận với các chương trình giáo dục quốc tế, được trang bị bằng cấp công nhận trên toàn cầu.
"Qua quá trình hợp tác, các trường đại học Anh cũng được nâng cao tầm nhìn quốc tế và phong phú thêm sự hiểu biết về đa văn hóa. Vì vậy, TNE cần thiết và quan trọng với cả Vương quốc Anh và Việt Nam", bà Donna McGowan nhấn mạnh.
Một trong những dấu mốc hợp tác được nhắc tới nhiều nhất là sự ra đời của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. Cơ sở pháp lý này đã trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường đại học có đủ điều kiện trong việc phê duyệt hoạt động liên kết đào tạo, cũng như giúp bằng cấp thuộc các chương trình xuyên quốc gia được công nhận về mặt pháp lý dễ dàng hơn.
Nhờ đó, Việt Nam được các chuyên gia Hội đồng Anh đánh giá là một trong những nước cởi mở nhất với hợp tác giáo dục quốc tế trong khu vực châu Á.
Hiện nay, Vương quốc Anh đang đứng đầu về số lượng các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là thị trường giáo dục xuyên quốc gia lớn thứ 5 ở Đông Á của Anh với hơn 7.125 sinh viên đại học và sau đại học. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục của cả hai nước cũng khẳng định "tăng trưởng nóng" không phải là ưu tiên hàng đầu. Do đó, bên cạnh việc mở rộng các chương trình liên kết về mặt cơ học, hai Chính phủ cũng tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong số đó chính là nâng cao chất lượng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học và tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng (QA).
Cuối năm 2022, Bộ Giáo dục Việt Nam đã lần đầu tiên cấp phép hoạt động cho tổ chức kiểm định quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam - Cơ quan Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học Anh quốc (QAA). Dưới sự tư vấn của QAA và Hội đồng Anh, đã có 5 trường đại học trong nước hoàn thành đánh giá nội bộ thí điểm.
Theo bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc các Chương trình Giáo dục của Hội đồng Anh, đây là sự chuẩn bị thiết yếu để hướng đến tương lai các trường đại học cũng như các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam được kiểm định đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới công nhận trên toàn cầu.
Trong thời gian tới, việc tăng cường chất lượng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học và hoạt động kiểm định chất lượng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của hai nước trong việc phát triển giáo dục xuyên quốc gia tại Việt Nam.
Người đứng đầu Hội đồng Anh, bà Donna McGowan khẳng định: "Tầm nhìn của hoạt động này hứa hẹn mở ra một khuôn khổ mới cho việc đảm bảo mạnh mẽ chất lượng nội bộ - điều bắt buộc để thu hút hợp tác quốc tế từ bất kỳ quốc gia nào; mang lại cho các đối tác sự đảm bảo với một tổ chức thực sự mang lại lợi ích. Đồng thời, những tiêu chuẩn của QAA cũng là một thang đo tuyệt vời để các trường đại học Việt Nam noi theo".