Thách thức quốc tế hóa trong giáo dục đại học: Giải pháp nào cho Việt Nam?
(Dân trí) - Ngày 3/7, hội nghị chuyên đề nghiên cứu quốc tế về giáo dục đại học tại Việt Nam đã diễn ra tại trường ĐH Anh Quốc Việt Nam. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục, các trường đại học trong nước và trên thế giới.
Hội nghị do chương trình Khoa học Giáo dục - Bộ GD&ĐT và trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cùng đối tác là trường Đại học Staffordshire (Anh Quốc) đã phối hợp tổ chức.
Tham dự hội nghị là các nhà nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học trong nước và trên thế giới như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Anh Quốc Việt Nam, Đại học RMIT Việt Nam, Đại học Staffordshire (Anh Quốc), Đại học Leeds Trinity (Anh Quốc), Đại học Sao Paolo (Brazil),...
Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ các kết quả nghiên cứu, trao đổi thông tin đồng thời củng cố hợp tác nghiên cứu học thuật trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học.
Nhiều chủ đề được thảo luận tại hội nghị, trong đó bao gồm các vấn đề như: xu hướng quốc tế hóa trong giáo dục đại học ở Việt Nam, năng lực nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, thách thức và dự đoán về xu hướng e-learning ở Việt Nam, xu hướng giáo dục mở trên toàn cầu, e-learning trong bối cảnh của Việt Nam, quản trị đại học…
Tiến sĩ Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT cho biết: “Sự kiện là nơi kết nối những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý giáo dục đại học của Việt Nam và thế giới, để cùng nhau thảo luận những thách thức của quốc tế hóa trong giáo dục đại học với mục tiêu đảm bảo chất lượng cũng như đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.
Có những vấn đề chính trong quốc tế hóa giáo dục đại học mà Việt Nam cần giải quyết như vấn đề lãnh đạo và quản lí, xuyên quốc gia, đảm bảo chất lượng, liên kết ngành đại học cũng như chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, giáo viên, học sinh”.
Giáo sư Ieuna Ellis Phó Hiệu trưởng trường đại học Staffordshire
Đại diện trường đại học Staffordshire, Giáo sư Ieuna Ellis, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Sự hợp tác trong nước và quốc tế là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện và phát triển các nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc tế.
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và trường Đại học Staffordshire đã hợp tác với nhau trong suốt 10 năm qua. Chương trình hợp tác này tập trung chủ yếu vào việc cung cấp các khóa học, bằng cấp chất lượng cao và tạo ra những cơ hội học tập ở môi trường quốc tế cho sinh viên ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Phó Giám đốc Đại học Kinh Tế TPHCM
Là một diễn giả tại hội nghị, Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Phó Giám đốc Đại học Kinh Tế TPHCM, cho biết: “Quốc tế hóa giáo dục là mối quan tâm lớn ở cấp quốc gia. Việt Nam đã có nhiều chính sách cấp quốc gia nhằm thúc đẩy hệ thống giáo dục của Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa.
Nếu chúng ta muốn tiếp tục phát triển, cần phải có những chiến lược cụ thể, giúp chúng ta vượt qua trở ngại ngôn ngữ, hướng đến quốc tế hóa hiệu quả hơn”.
Giáo sư Raymond Gordon, hiệu trưởng BUV
Đại diện nhà tổ chức, Giáo sư Raymond Gordon, hiệu trưởng BUV, chia sẻ, một trong những sứ mệnh quan trọng của BUV là tạo ra một môi trường học tập quốc tế đích thực cho sinh viên và cộng đồng. BUV đang thu hút các sinh viên và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đến Việt Nam để tham gia và hợp tác với các sinh viên và học giả ở Việt Nam.
"Sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ các nền tảng quốc tế đa dạng là cốt lõi của sự sáng tạo, đổi mới và điều này là vô cùng quan trọng cho Việt Nam và thế giới khi mà chúng ta đang dịch chuyển sang một kỉ nguyên số mới” - Giáo sư Raymond Gordon, nhấn mạnh.
Nhật Hồng