Thạc sĩ thất nghiệp chạy xe ôm gây "bão" truyền thông Trung Quốc
(Dân trí) - Câu chuyện về người đàn ông 38 tuổi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Tôn Trung Sơn danh tiếng phải đi lái xe ôm đang tràn ngập trên các mặt báo và mạng xã hội Trung Quốc.
Bỗng nhiên thất nghiệp
Nhân vật chính trong câu chuyện là Du Yang, một cử nhân chuyên ngành tiếng Anh, có bằng thạc sĩ Luật Kinh tế quốc tế tại Đại học Tôn Trung Sơn.
Du Yang cũng là đồng sáng lập một trung tâm tiếng Anh có lợi nhuận nhưng phải đóng cửa vì Trung Quốc ban lệnh cấm dạy thêm, Du Yang thất nghiệp và bắt đầu chạy xe ôm vào tháng trước. Công việc mưu sinh "bất đắc dĩ" trong hoàn cảnh làm kinh doanh giáo dục "mất đất sống" bỗng khiến anh trở nên nổi tiếng.
Phòng dạy kèm của anh từng kiếm được 400.000 nhân dân tệ (62.230 đô-la Mỹ) một năm, nhưng đã bị đóng cửa vào tháng 8.
Câu chuyện thạc sĩ thất nghiệp làm tài xế xe ôm ngay lập tức gây "bão" tranh luận trên các trang mạng xã hội nước này. Trong khi không ít người khen ngợi thái độ thích ứng thực tế của thạc sĩ Du, nhiều người lại chế nhạo anh, cho rằng đó là "sự lãng phí" bằng cấp.
Trong số những người chỉ trích dữ dội, có mẹ của Du. Là người rất ý thức về địa vị xã hội, mẹ của Du Yang đã yêu cầu anh dừng lái xe vì bà cảm thấy "bị sỉ nhục". Con trai của Du cũng yêu cầu bố không tiếp tục công việc chạy xe ôm sau khi nghe về công việc mới của bố mình từ các bạn học.
"Công việc này không hề nhục nhã chút nào", Du nói với CCTV. "Một người có kiến thức có thể làm việc trong bất kỳ ngành nào. Tôi đang trải qua một giai đoạn suy thoái trong sự nghiệp của mình. Tài xế xe ôm là lựa chọn của tôi trong giai đoạn chuyển giao này", anh nhấn mạnh.
Du lấy bằng cử nhân tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật Hồ Nam với tư cách là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Sau đó, ông được nhận vào Đại học Tôn Trung Sơn có trụ sở tại Quảng Châu. Tốt nghiệp, anh làm việc tại một nhà xuất bản thuê, nhưng khi rảnh rỗi, Du dạy tiếng Anh vì tình yêu với ngôn ngữ này.
Nhiều năm sau, anh gia nhập một cơ sở dạy kèm với tư cách là giáo viên tiếng Anh toàn thời gian. Năm 2017, Du đồng sáng lập mở trung tâm riêng để dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Việc kinh doanh đang có lợi nhuận bỗng nhiên phải dừng hoạt động vào tháng 8 trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm dạy thêm.
Ngã rẽ bất ngờ
Du cho biết, công việc mới của anh đến rất tình cờ. Vào một ngày cuối tháng trước, khi đang đứng ngoài trường tiểu học và đợi con trai, một người đàn ông nghĩ Du là người chạy xe ôm và hỏi anh có thể chở con đến điểm nào không.
Ban đầu Du sửng sốt từ chối. Nhưng sau khi về nhà, anh đã nghĩ đến việc làm xe ôm kiếm sống một thời gian.
"Dù sao thì lái xe ôm kiếm sống còn tốt hơn là nằm nhà. Tôi đã tự nhủ rằng mình có thể thử. Đó có thể là một trải nghiệm mới mẻ trong cuộc đời".
Anh thuê một chiếc xe máy và mua hai chiếc mũ bảo hiểm. Sau tuần đầu tiên, Du nhận ra đây không phải là một công việc có thu nhập khá tốt.
"Tôi có thể kiếm hàng chục nhân dân tệ mỗi ngày khi công việc kinh doanh tốt; nhưng chỉ đơn thuần là vài nhân dân tệ khi chạy xe ôm". Dù vậy, Du không còn lựa chọn nào hơn trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Trở thành người chạy xe ôm và nổi tiếng trên mạng xã hội, Du chợt nghĩ ra kế hoạch tiếp tục công việc dạy kèm tiếng Anh nhưng sẽ lấn sân sang thị trường người lớn và hoạt động trực tuyến.
"Tôi sẽ tiếp tục chạy xe máy, nhưng không phải là để cung cấp dịch vụ cho hành khách mà để biết thêm về những địa điểm thú vị mới - nơi sẽ mang đến nguồn cảm hứng cho các video của tôi".
Lệnh cấm dạy thêm đang khiến nhiều gia sư tại Trung Quốc thất nghiệp. Câu chuyện của Du là điển hình. Nhưng "trong cái khó ló cái khôn"; dù người thân cảm thấy nhục nhã và chịu nhiều chỉ trích nhưng Du vẫn không ngại chạy xe kiếm tiền mưu sinh và ấp ủ những bước đi táo bạo hơn nữa trong tương lai.
"Thầy thật tuyệt vời, thầy Du. Cứ liều thử đi!", một người dùng mạng động viên.
"Thật là một người phi thường trong một ngành nghề rất đỗi bình thường - lái xe ôm", một người khác bình luận.
Trước những ý kiến trái chiều, Du Yang cho biết, anh không cảm thấy áp lực vì sự đối nghịch giữa học vấn và công việc hiện tại của mình.
"Miễn là bạn có thể làm tốt, dù đó là công việc gì, bạn không cần quan tâm đến nhận xét của người khác", anh tự tin nói.