Thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard: “Nộp hồ sơ du học Mỹ không phải một... thủ tục hành chính”
(Dân trí) - Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung (Tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, Mỹ) lưu ý, rất nhiều học sinh Việt có thể đang nghĩ/ nhìn quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ như một thủ tục hành chính hay có kết quả giống như chuyện xin việc… Đó cũng là một nguyên nhân khiến các bạn thất bại.
Bản kế hoạch vi mô vào đời cho bạn trẻ
Tại buổi toạ đàm "Chiến thuật lội ngược dòng - Biến trắc trở thành lợi thế" diễn ra chiều ngày 17/6 tại Hà Nội, các diễn giả giàu kinh nghiệm đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích để giúp các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ Mỹ chuẩn bị tốt hơn cho hành trình du học Mỹ.
Là “thợ săn” học bổng của nhiều trường Đại học lớn như Harvard, University of Pennsylvania, Columbia và Johns Hopkins và có hơn 10 năm nghiên cứu chiến thuật giúp học sinh quốc tế nộp hồ sơ và giành học bổng cao tại nhiều trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, anh Trần Đắc Minh Trung (tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, Mỹ) cho biết, sai lầm của không ít bạn trẻ Việt là nhìn quá trình nộp hồ sơ vào trường đại học Mỹ như một thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, thực tế thì quá trình nộp hồ sơ trong suy nghĩ của người Mỹ được họ thiết kế như một cơ hội cho những người trẻ có thời gian viết một bản “vi mô vào đời” của mình.
“Nó bao gồm nhiều thứ như bạn thích nghề nghiệp gì, bạn có ý định gì về cuộc đời. Trong quá trình viết bài luận, thu thập nghiên cứu các trường khác nhau bạn nhận ra bản thân mình có những gì, bạn biết được trường hoặc ngành này có phải là điều mình muốn làm hay không? Hay việc lựa chọn ngành học có liên quan gì đến định hướng tương lai, triết lý cuộc sống của ứng viên không?... Chẳng hạn, học sinh xuất thân ở một làng quê, em muốn cuộc sống ở quê hương em tốt đẹp hơn thì em phải làm gì? Nếu em muốn Việt Nam mạnh hơn thì em phải làm gì cụ thể?”, anh Trung chia sẻ.
Quá trình apply học bổng cũng những thử thách, khó khăn chắc chắn sẽ giúp bạn trẻ nhận thức rõ hơn chính bản thân mình.
Câu chuyện về rào cản ngôn ngữ vùng miền và xuất thân của 9X Việt đỗ MIT
Em Nguyễn Thế Quỳnh (giành học bổng 6,7 tỷ đồng của Học viện công nghệ số 1 thế giới MIT - Massachusetts Institute of Technology ở mùa tuyển sinh năm nay) cho biết, cá nhân em gặp khó khăn lớn là quãng thời gian chuẩn bị hồ sơ ngắn - chỉ vỏn vẹn 4 tháng.
Tốt nghiệp cấp 3 vào tháng 6/2017, Thế Quỳnh bắt đầu học tiếng Anh, thi SAT, TOEFL và chuẩn bị các hồ sơ khác bắt đầu từ tháng 8/2017; hạn nộp hồ sơ vào đại học Mỹ là 1/1/2018. Thông thường các bạn học sinh có từ 1-2 năm chuẩn bị, nên khối lượng công việc lớn dồn lại trong 4 tháng đòi hỏi Thế Quỳnh làm việc với cường độ rất cao.
“Em thấy học tiếng Anh và thi các kì thi chuẩn hóa là khó nhất. Cấp 3 em không đầu tư tiếng Anh mà tập trung ôn thi Olympic Vật lý. Sau kì thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 thì tiếng Anh của em gần như không có gì cả và em cũng không biết cụ thể về quá trình nộp hồ sơ thế nào”, Quỳnh tâm sự.
Đầu tháng 8/2017, bắt đầu ra Hà Nội chuẩn bị hồ sơ du học, Quỳnh đã phải học tiếng Anh ở lớp cơ bản, thi TOEFL và SAT…
Chàng trai Quảng Bình nộp hồ sơ vào Học viện công nghệ số 1 thế giới ở ngành Khoa học vật liệu. Bởi lẽ, trong thời gian suy nghĩ về việc mình thích làm gì, muốn làm gì, em đã đưa vào bài luận chủ đề về quê hương Quảng Bình.
Nhận thấy các vùng miền biển ở Việt Nam hàng năm chịu rất nhiều thiên tai, bản thân lớn lên cùng bão lũ, Thế Quỳnh thấy nhà cửa của người dân không đủ chắc chắn. Do vậy “chàng trai Vàng Olympic Vật lý” muốn theo đuổi ngành học này với mục đích nghiên cứu được vật liệu tốt hơn để xây dựng các công trình vững chắc chống đỡ với thiên tai.
Ở một bài luận khác mà MIT yêu cầu với chủ đề “thử thách bạn phải vượt qua”, Thế Quỳnh đã có cơ hội thể hiện rõ nhất về con người và hành trình nỗ lực của bản thân. Em chọn viết về chủ đề rào cản ngôn ngữ vùng miền.
Quỳnh kể, tháng 5/2016 lần đầu tiên em được lên Hà Nội để tập huấn đội tuyển Olympic Vật lý châu Á Việt Nam. Lúc đấy trong đội tuyển có 8 người thì 6 người Hà Nội, 1 người Nam Định, riêng mình em là người Quảng Bình.
Lần đầu tiên lên Hà Nội, Quỳnh tự ti về chất giọng Quảng Bình của mình nên không dám tiếp cận với các anh chị/ thầy cô, thắc mắc về bài giảng cũng không dám hỏi mà chỉ biết gọi điện về tâm sự với mẹ.
Phải 1-2 tuần sau, một lần tình cờ vào phòng thí nghiệm, nam sinh 9X bất chợt nghe giọng Quảng Bình từ một giảng viên. Gặp thầy giáo cũng xuất thân từ miền quê Quảng Bình, Quỳnh mạnh dạn hỏi thầy về con đường gây dựng sự nghiệp.
“Buổi nói chuyện đó giúp em nhận ra mình không được tự ti về quê hương, giọng nói, vùng miền, màu da và xuất thân của mình. Đó là ý tưởng của em trong bài luận. Điều đó khá liên kết với mục đích của trường MIT - tìm những người trẻ muốn làm thế giới khoa học tốt đẹp hơn, bỏ qua mọi rào cản. Và như bài luận của em muốn nói là rào cản về xuất thân và vùng miền”, Quỳnh cho hay.
Bài luận không phải nơi khoe thành tích
Đối với trường hợp của Hoàng Tùng (cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, tân sinh viên Học viện công nghệ Georgia Institute of Technology) cũng là một nỗ lực tìm kiếm bản thân. Đam mê công nghệ từ lâu, nam sinh này tìm hiểu về ngành kỹ thuật y sinh và biết rằng ngành có nhiều tiềm năng phát triển, có thể tạo bước tiến đột phá và có ý nghĩa giúp đỡ mọi người như mong muốn của bản thân em.
Tuy nhiên, Hoàng Tùng là học sinh chuyên Toán nên nền tảng trước đó của em không có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật y sinh, em cũng chưa bao giờ tiếp xúc với môi trường y học. Trong khi đó, các trường đại học sẽ thường luôn yêu cầu ứng viên trả lời câu hỏi “lí do em chọn ngành này là gì?”.
Nhận thức được mình còn thiếu trải nghiệm lựa chọn định hướng ngành, Hoàng Tùng xin trải nghiệm thực tập ở bệnh viện, em trực tiếp góp sức vào công việc ở bệnh viện và quan trọng hơn, được chứng kiến để thấy nhiều hơn trách nhiệm của một bác sĩ.
Tùng càng nuôi mong muốn trở thành kỹ sư y sinh và qua trải nghiệm, được mở rộng tầm mắt, có nhiều ý tưởng và cảm nhận sâu sắc để viết bài luận qua đợt thực tập.
Sau đó, nam sinh Ams quyết định nộp đơn vào các trường đại học Mỹ mạnh về ngành kỹ thuật y sinh. Các trường xếp hạng cao đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh và độ khắt khe/ khó khăn nhiều hơn, nhưng qua đó Hoàng Tùng có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về con người mình.
Từ một học sinh chuyên Toán nhưng có mong muốn theo đuổi ngành Kỹ thuật y sinh, Tùng đã đặt ra câu hỏi: “Thực sự đối với em Toán học/ Khoa học ý nghĩa thế nào?”. Phác thảo ý tưởng của mình, em ví Toán học cũng như một ngôn ngữ và em như một người đi tìm ngôn ngữ để có thể lí giải các vấn đề trong tự nhiên cũng như cuộc sống”, Tùng cho biết.
Qua trải nghiệm thực tế của hai bạn trẻ xuất sắc thành công ở mùa tuyển sinh vừa qua, diễn giả Trần Đắc Minh Trung một lần nữa nhấn mạnh rằng: “Người Mỹ có tầm nhìn đa chiều, họ muốn biết một người toàn diện. Từ cái nhỏ nhất họ có thể suy luận và biết trường có phù hợp với mình không. Cho nên, một ý tưởng về bài luận thì không có ý tưởng nào là quá nhỏ hết.
Quan trọng nhất, bài luận không phải là nơi “show up”, khoe mẽ thành tích của mình mà là làm sao cho người ta thấy con người thực sự của bạn. Hãy xem quá trình nộp hồ sơ như một hành trình khám phá bản thân, một hành trang vào đời chứ không phải một thủ tục hành chính”.
Lệ Thu