"Tết thầy" không chỉ là quy tắc
(Dân trí) - Món quà Tết ý nghĩa với thầy cô không phải vật chất, đó là những thành công của các thế hệ học trò mà giáo viên như một dấu ấn trên chặng đường thành công đó.
Thành công của học sinh là món quà Tết ý nghĩa
Thầy cô được tri ân bởi các thế hệ học trò trong những ngày đầu năm mà truyền thống "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" thường nhắc đến, ấy là món quà ý nghĩa để truyền động lực, tạo cảm hứng cho những nhà giáo cam kết và tâm huyết hơn với nghề.
Trong cuộc sống hiện đại, Tết thầy không nên là những quy tắc, nghi thức gây mệt mỏi, tốn thời gian.
Người thầy sẽ luôn coi trọng hơn về chất lượng trong các mối quan hệ, cảm động với những chi tiết mà học trò tổ chức thể hiện quan tâm đến những thói quen, sở thích hay thấu hiểu về những vấn đề sức khỏe của thầy cô.
Có lẽ vậy, nhiều thầy cô chủ động tạo ra các thói quen mới. Các thầy chủ động đặt lịch cố định hàng năm, tổ chức tiệc trà, thông tin mời các thế hệ học trò tới để cùng chung vui với thầy, chia sẻ những thành công hay những dự định của từng học trò trong năm mới.
Ngược lại, học sinh có thể tổ chức sự kiện tôn vinh, thực hiện một dự án ý nghĩa gửi tặng thầy cô. Thậm chí các em có thể hoàn thành một video ghi lại lời chúc của tất cả những thành viên trong khóa học năm đó.
Học trò có thể liên hệ tới một chương trình âm nhạc trên đài phát thanh để yêu cầu một bài hát tặng thầy cô. Cũng có thể là một sản phẩm tự làm (DIY - do it yourself) bảo vệ sức khỏe hoặc một món đồ công nghệ giúp thầy cô thuận tiện hơn trong các công việc giảng dạy.
Học trò có thể lập các fanpage để thường xuyên cập nhật những thành tựu của các thế hệ như những món quà tinh thần gửi tới thầy cô.
Chỉ cần sự chú tâm, món quà dẫu nhỏ của học sinh cũng mang giá trị tinh thần lớn với giáo viên. Món quà Tết ý nghĩa với thầy cô không phải vật chất, đó là những thành công của các thế hệ học trò mà giáo viên như một dấu ấn trên chặng đường thành công đó.
Tết của thầy cô thời bão giá
Sống trong nền kinh tế tri thức, cùng sự kỳ vọng cao của xã hội và cộng đồng, công việc của những người thầy càng trở nên thách thức và căng thẳng.
Hầu hết thầy cô không chỉ làm việc trong giờ hành chính mà phải tiếp tục lao động khi trở về nhà để chuẩn bị bài giảng, cập nhật công nghệ dạy học và hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham dự các khóa học để phát triển bản thân.
Trung bình mỗi tuần, giáo viên có thể làm việc 70-80 giờ, kéo dài trong suốt năm học khiến cho họ không thể cân bằng và phân biệt được thời gian dành cho công việc và gia đình.
Chính vì vậy, những dịp nghỉ lễ với họ như nghỉ hè, nghỉ Tết vốn rất quan trọng với đội ngũ giáo viên.
Đây là khoảng thời gian giảm sốc, giúp giáo viên tạo ra không gian để phục hồi cảm xúc và sức khỏe tinh thần, ngăn chặn tình trạng quá tải và kiệt sức.
Với một số thầy cô, đây cũng là một khoảng thời gian quý giá để học làm nốt những công việc cá nhân còn dang dở, là khoảng thời gian để thăm viếng những người thân quan trọng trong cuộc đời họ hay đơn giản là có được một không gian bình an, riêng tư bên những người thân.
Dẫu vậy, trên thực tế, thời gian nghỉ Tết với nhiều thầy cô thường lại là thời gian bận rộn và lo lắng. Tết đến là lúc chúng ta phải giải quyết rất nhiều công việc từ áp lực cân nhắc mua sắm, chi tiêu, lì xì trong bối cảnh đồng lương nhà giáo vốn eo hẹp.
Là lo lắng sao cho vẹn toàn các thủ tục ngày lễ, tiếp khách, thăm viếng khiến thầy cô thay đổi nhịp ăn ngủ, mệt mỏi. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy kiệt sức, lo lắng và trầm buồn sau kỳ nghỉ.
Thế nên, nhu cầu tâm lý của thầy cô trong những ngày nghỉ Tết tuy có thể khác nhau nhưng đều cùng hướng đến những mong muốn Tết là thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi, là cơ hội để ngắt bản thân khỏi công việc, là thời gian để quây quần bên gia đình và những người bạn thân, được tự do làm những gì mình thích, hoặc thậm chí là không làm gì cả.
PGS.TS Trần Thành Nam
(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội)