Tăng cường phòng ngừa gian lận công nghệ cao trong thi tốt nghiệp THPT 2022
(Dân trí) - Tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công An (A05) kiến nghị như vậy tại Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT 2022, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 8/6.
Năm 2021 đã khởi tố vụ án liên quan đến gian lận thi cử
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021 nhưng vẫn có những điểm mới quan trọng. Trong đó, có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở rất nhiều khâu, từ đăng ký dự thi, ra đề thi, chấm thi đến công bố kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp,…
"Khi ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi, vấn đề đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng cũng phải được triển khai đồng bộ, ngay từ đầu", Thiếu tướng nói.
Phó Cục trưởng A05 cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác nắm tình tình trên không gian mạng, nhất là với các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội có hoạt động phức tạp, có liên quan đến việc chia sẻ tài liệu học tập, đề thi thử, đề thi tốt nghiệp các năm để kịp thời phát hiện xử lý vấn đề có thể ảnh hưởng đến kỳ thi.
Qua nắm tình hình, A05 nhận thấy vẫn còn tình trạng mua bán thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
"Trong kỳ thi năm 2021 vừa qua, chúng tôi cũng đã phát hiện hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Chúng tôi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt một nhóm đối tượng có 23 người với tội danh cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Nhóm này gồm những kẻ chủ mưu cầm đầu, đối tượng hỗ trợ kỹ thuật và các đối tượng là thí sinh dự thi", Thiếu tướng Mạnh thông tin.
Được biết, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, có sự tổ chức, chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng thành quy trình sử dụng kết hợp nhiều loại thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, quay chụp tài liệu, liên lạc giữa bên trong phòng thi với bên ngoài.
"Các đối tượng cầm đầu lên mạng tìm kiếm người có thể giải đề thi để gộp thành một nhóm, sau đó tập hợp những thí sinh có nhu cầu gian lận. Các thí sinh trước khi đi thi đã được tập huấn rất kỹ càng.
Thí sinh được gắn camera cúc áo, một tai nghe nhỏ bằng hạt đậu đeo trong tai, một thiết bị trung gian gắn ở đùi và sẽ thông qua một thiết bị trung gian đặt ngoài hành lang để liên hệ với các đối tượng bên ngoài.
Nhóm bên ngoài điều khiển tất cả thiết bị này thông qua thiết bị trung gian. Sau khi thí sinh quay chụp, đối tượng sẽ có đề thi, giải đề thi và đọc kết quả cho thí sinh thông qua tai nghe", thiếu tướng Mạnh phân tích.
Ông nhấn mạnh, mặc dù chúng ta đã có cảnh báo về thực trạng này, Ban chỉ đạo thi quốc gia cũng đã chỉ đạo các biện pháp để cách ly liên lạc, tập trung vật dụng của thí sinh ở xa phòng thi, nhưng vẫn phải cảnh giác, đề phòng vì phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi.
"Năm ngoái, qua vụ phát giác gian lận nói trên và rà soát thị trường, chúng tôi thấy hiện nay cơ bản các thiết bị phát sóng chỉ điều khiển từ xa được trong khoảng 20-25 mét.
Tuy nhiên hiện nay công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách thu phát có thể xa hơn. Bởi vậy, chúng tôi khuyến nghị các thiết bị của học sinh nên để càng xa càng tốt", Phó Cục trưởng A05 đề xuất.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng đưa ra kiến nghị, không cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm ghi hình không kết nối mạng vào phòng thi.
Ông nêu dẫn chứng, các thiết bị như "camera cúc áo", "tai nghe hạt đậu" đều không có chức năng liên hệ trực tiếp với bên ngoài, mà phải qua thiết bị trung gian.
Nếu cho phép thí sinh mang thiết bị không kết nối vào, việc đánh giá thế nào là thiết bị có kết nối hay không kết nối sẽ rất khó khăn.
Thậm chí, ngay cả lực lượng công an cũng có thể phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới đánh giá được một thiết bị có chức năng phát sóng hay không.
Chưa kể, một số thiết bị ban đầu không có chức năng phát sóng, nhưng tội phạm lại dễ dàng tích hợp các phần mềm phát sóng, như vậy không thể kiểm soát được.
"Do đó, chúng tôi đề xuất tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi", Thiếu tướng Mạnh nêu ý kiến.
Ông cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần hướng dẫn kỹ cho thí sinh, việc để lộ lọt đề thi, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật Nhà nước để răn đe, ngăn ngừa hành vi này.
Cán bộ làm công tác thi chủ quan là nguy cơ lớn
Cùng phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công An thông tin, qua công tác kiểm tra an ninh an toàn từ việc chuẩn bị đến triển khai các hoạt động phục vụ thi, A06 nhận thấy ngoài hành vi gian lận thi cử, tội phạm công nghệ cao thì việc chủ quan, mất cảnh giác của chính những người làm việc phục vụ thi cử cũng là nguy cơ lớn.
"Ví dụ nếu quên mà vẫn mang thiết bị vào phòng thi, vô hình chung sẽ vi phạm về pháp luật, quy chế thi. Hoặc có mang theo các thiết bị không đảm bảo an ninh an toàn", vị đại diện nói.
Theo ông, quan điểm chỉ đạo quán triệt cho kỳ thi là phải đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn, bảo mật, tổ chức thành công kỳ thi, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, phục vụ phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà.
Lãnh đạo Cục A06 nhấn mạnh, tất cả hành vi dù vô tình hay cố ý mang thiết bị vào nơi sao in đề thi, vào phòng thi; mang thiết bị phương tiện có khả năng gây lộ lọt thông tin đều vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế, vi phạm kỷ luật. Bởi vậy, cần nghiêm túc trong quá trình thực hiện.
"Nếu chuẩn bị tốt, đảm bảo đúng nguyên tắc sẽ tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh, chắc chắn kỳ thi sẽ diễn ra tốt hơn.
Nếu có trường hợp phải kiểm tra xử lý, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ một điểm thi, phòng thi hay thậm chí cả một tỉnh. Tất nhiên, lực lượng an ninh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo an ninh an toàn", lãnh đạo Cục A06 cho hay.