Tăng cường chuẩn hóa giáo viên thể dục

(Dân trí) - Cần quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Thể dục thể thao nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua các hình thức đào tạo nâng cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên ở Trung ương và địa phương.

Mục tiêu đạt được đến năm 2015 phải chuẩn hóa giáo viên dạy thể dục, không còn giáo viên trình độ trung cấp và sơ cấp (hiện nay trên toàn quốc còn khoảng 4000 GV dạy môn thể dục có trình độ Trung cấp và Sơ cấp). Đến năm 2020 đảm bảo 100% các trường phổ thông các cấp có giáo viên chuyên trách phụ trách môn giáo dục thể chất tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục thể chất (GDTC) (đặc biệt đối với các trường tiểu học).

Đó là một trong những kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý tại Hội nghị Tổng kết công tác giáo dục thể chất và phong trào Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) giai đoạn 2008-2012.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng cho rằng, GDTC và phong trào thể thao trường học mà đỉnh cao là HKPĐ các cấp và toàn quốc nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS, vì vậy cần tiếp tục tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào thể thao trong trường học.

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ GD-ĐT đã giao cho Vụ Công tác học sinh, sinh viên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các sở giáo dục và đào tạo xây dựng và nhanh chóng ban hành Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

Bên cạnh đó cũng yêu cầu các địa phương cần phải tiêu chuẩn hóa các điều kiện trang thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao, từng bước phải đảm bảo trang bị được cho trường học phổ thông các cấp, đặc biệt là cấp Tiểu học, nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy nội khóa và các hoạt động thể thao ngoại khóa. Nghiên cứu các trang thiết bị phù hợp với diện tích đất còn trống trong các trường học nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động thể chất đối với học sinh. Tiêu chuẩn hóa nguồn tài chính cho GDTC và thể thao trường học, xác định và tiêu chuẩn hóa kỹ thuật về bể bơi, sân tập, nhà tập phù hợp cho các trường và trong điều kiện hiện nay nên ưu tiên đối với các cụm khu vực trường.

Chú trọng phát triển các hoạt động thể thao ngoại khóa ở trường học các cấp và khu vực trường thông qua phong trào HKPĐ. Cần chú trọng nghiên cứu cải tiến nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở trường học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.

Khuyến khích hoạt động phong trào thể dục, thể thao quần chúng và các môn thể thao dân tộc. Đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với lứa tuổi và điều kiện cụ thể của nhà trường. Khuyến khích các trường căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương đưa môn võ dân tộc vào trong phong trào thể thao của nhà trường, trước tiên nên sử dụng hình thức tập luyện ngoại khóa thông qua các câu lạc bộ thể thao của nhà trường.

Nghiên cứu, đề xuất sự thống nhất về công tác GDTC và thể thao trong nhà trường phổ thông ở các cấp học bao gồm nội dung, chương trình môn học và các hình thức hoạt động ngoại khóa. Tăng cường công tác tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội về thể dục thể thao và Hội Thể thao học sinh Việt Nam.

S.H